Sự kiện hot
2 năm trước

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh: “Không yêu thương người bệnh, không thể thành bác sĩ giỏi”

Từ suy nghĩ ấy, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn dành cho những người bệnh sự tôn trọng và yêu thương đặc biệt. Nét văn hóa này cũng được đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khắc cốt, ghi tâm.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Ảnh: Sơn Thuỷ

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Ảnh: Sơn Thuỷ

Sinh ra trong một gia đình đông con trên đất học Mão Điền, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), bố mẹ của BS Nguyễn Duy Ánh quanh năm vất vả lo làm đồng và chợ búa để nuôi bảy anh em học tập. Đến khi bố mất, mọi lo toan đổ hết lên vai người mẹ. BS Nguyễn Duy Ánh rất thương cha mẹ, ngoài thời gian học tập, luôn tranh thủ giúp những công việc gia đình.

Học xong chương trình phổ thông, BS Nguyễn Duy Ánh thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội, là một trong ba sinh viên đạt loại giỏi cả khóa học, được Bộ Y tế tặng Bằng khen. Năm 1990, BS Nguyễn Duy Ánh tốt nghiệp bác sỹ loại giỏi, được giữ lại trường, thi đậu bác sĩ nội trú và dạy tại khoa Sản của trường Đại học Y. Sau đó, BS Nguyễn Duy Ánh thi đỗ và đi tu nghiệp tại Pháp. Sau này trở về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Khi quyết định chọn ngành Phụ sản, trong một cuộc gặp gỡ với người đứng đầu ngành Sản Việt Nam - Giáo sư Dương Thị Cương hỏi anh: “Là một người đàn ông sao em lại tự nguyện đi vào ngành Sản?”. BS Nguyễn Duy Ánh trả lời: “Thưa Giáo sư, khi là sinh viên học môn sản rồi em nhận ra một điều, sinh nở của một người phụ nữ thực sự là một sự hy sinh vì sự ra đời của một thế hệ mới”. Giáo sư Cương gật đầu ủng hộ anh đi theo ngành Sản. 

Là giảng viên khoa Sản của Đại học Y, BS Nguyễn Duy Ánh thường đến giảng bài cho sinh viên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cơ sở thực hành của trường. Nhận thấy trình độ chuyên môn, tay nghề và bằng cấp của BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trực tiếp đến Đại học Y xin anh về viện. Năm 2001, BS Nguyễn Duy Ánh về công tác ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Với tay nghề giỏi, anh được cử làm Phó khoa, rồi phụ trách chuyên môn cho Bệnh viện, đến năm 2003, Bộ Y tế bổ nhiệm BS Nguyễn Duy Ánh làm Phó Giám đốc Bệnh viện, là Phó Giám đốc trẻ nhất ở các bệnh viện lớn của Hà Nội khi anh vừa qua tuổi 35.  

Sau khi lấy bằng Tiến sỹ, BS Nguyễn Duy Ánh được mời làm giảng viên cho trường Đại học Y và trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2013, BS Nguyễn Duy Ánh được bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện cho đến nay. Gần 20 năm gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, BS Nguyễn Duy Ánh đóng góp trí tuệ, sức lực cùng tập thể thầy thuốc và cán bộ công nhân viên xây dựng bệnh viện ngày một lớn mạnh về quy mô và chất lượng. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện là một trong bốn bệnh viện tuyến cuối về phụ khoa. 

Là một lãnh đạo trẻ, BS Nguyễn Duy Ánh luôn biết truyền cảm hứng đến đội ngũ thầy thuốc trẻ của bệnh viện. Có lần nhân dịp chúc Tết các thầy thuốc trong viện, anh nói với đồng nghiệp của mình: “Hình ảnh đẹp nhất của người thầy thuốc chúng ta là khi đứng bên giường bệnh và tận tuỵ bên người bệnh nhất là những sản phụ và trẻ sơ sinh. Họ có khi không phải là người thân của các bạn, nhưng chúng ta quan tâm đến họ như những người thân yêu. Tình cảm ấy, việc làm ấy thật vô cùng đáng tự hào”.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh còn được nhiều người biết đến là bác sĩ “mát tay” khi rất nhiều bệnh nhân hiếm muộn nhờ ông đã có được thiên chức làm mẹ thông các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nuôi cấy trứng non và sàng lọc phôi bệnh lý - một kỹ thuật chuyên sâu ít bệnh viện thực hiện được. BS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ: “Ngành sản phụ khoa có vai trò quan trọng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dân số, mà còn đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tôi luôn đặt tiêu chí, ở thế giới làm được kỹ thuật gì mới, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ cố gắng tiếp cận kỹ thuật đó, mang về ứng dụng y học tốt nhất phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.

Minh chứng cho điều đó, BS Nguyễn Duy Ánh kể về những kỹ thuật cao mà bệnh viện đã làm chủ được như sinh thiết phôi để sàng lọc phát hiện sớm những phôi bất thường về mặt di truyền nhằm loại bỏ, giảm trực tiếp tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật di truyền trong thụ tinh ống nghiệm; sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở giải tần rộng giúp sàng lọc nhiều bệnh, sàng lọc không xâm lấn mà nhiều bệnh viện sản lớn ở trong nước chưa làm được. Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai đề tài “Y học bào thai” cấp Nhà nước và sẽ là cơ sở đầu tiên trong nước triển khai. Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể tiến hành can thiệp để xử trí của một bào thai ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Chia sẻ về những thành công của bệnh viện, BS Nguyễn Duy Ánh vẫn rất khiêm tốn, rằng đó là thành quả của tập thể nhân viên, bác sĩ trong viện. Tuy nhiên, theo nhiều nhân viên của bệnh viện, BS Nguyễn Duy Ánh thực sự là người truyền cảm hứng cho họ trong công việc chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là với đội ngũ bác sĩ trẻ.

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, để tiếp nhận được kỹ thuật hiện đại của thế giới, điều đó không quá khó, mà quan trọng nhất là tâm huyết, là chuyên môn cao, là sự yêu nghề, là cái tâm, cái đức của người thầy thuốc. Chỉ có như vậy, người dân, đặc biệt là người dân Thủ đô mới thực sự được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh trực tiếp thăm bệnh nhân và kiểm tra việc khám bệnh

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh trực tiếp thăm bệnh nhân và kiểm tra việc khám bệnh

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cũng tâm sự, ông luôn dặn dò nhân viên y tế của mình, đặc biệt là các học trò, lực lượng bác sĩ trẻ, không được buông tay, dù chỉ còn 1 tia hy vọng cũng phải cố gắng cứu sống bệnh nhân. Trách nhiệm của người bác sĩ là cứu người.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, các bác sĩ là người luôn luôn phải tìm tòi cái mới và học hỏi, chính vì vậy, “trên thế giới có kỹ thuật mới nào, lãnh đạo bệnh viện lập tức tìm cách tiếp cận kỹ thuật đó để đưa về phục vụ nhân dân”.

Hiện tại, mỗi năm bệnh viện Phụ sản Hà Nội là nơi “chào đời” của khoảng 40.000 trẻ sơ sinh với nhiều ca bệnh nặng, ca bệnh khó, tỷ lệ tai biến rất thấp. Đặc biệt, tại bệnh viện đang triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới góp phần nâng cao chất lượng dân số như kỹ thuật sàng lọc chẩn đoán trước sinh, chữa hiếm muộn, sàng lọc ung thư phụ khoa, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật Y học bào thai - lần đầu tiên được thực hiện tại một cơ sở y tế của Việt Nam.

Mục đích của phương pháp này là can thiệp chữa bệnh cho thai nhi ngay từ trong bào thai. “Nhiều bào thai bị ứ nước trong não, phổi, tim nếu không được can thiệp dẫn lưu… sẽ làm teo não, teo phổi, chèn tim gây thiếu máu và bào thai sẽ tử vong ngay trong bụng mẹ. Hoặc trong những trường hợp bào thai sinh đôi lại bị truyền máu cho nhau, nếu không can thiệp kịp thời, đốt laze chặn đường truyền, một bào thai sẽ thừa máu, phù thũng, suy tim, một bào thai bị mất máu… với các trường hợp này rất cần kỹ thuật y học bào thai”, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh dẫn chứng.

Nói về kỹ thuật can thiệp bào thai, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cho rằng, can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, phổi, rau, ối...

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ thêm, trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai, những thai nhi không may mắn bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ bác sỹ có biết cũng bất lực, không thể làm được gì.

Để có được trái ngọt như hiện nay, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trước đó cơ sở có thời gian dài chuẩn bị rất kỹ càng về nhân lực, phương tiện cơ sở vật chất, kỹ thuật ngang tầm quốc tế.

Bản thân là lãnh đạo Bệnh viện, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh đã trực tiếp tham dự nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành tại các bệnh viện hàng đầu thế giới như Anh, Pháp, Singapore... để học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm về chỉ đạo và trực tiếp triển khai trong nước. Ông đã cùng ê kíp sang học tập tại Cộng hòa Pháp.

Nói về hiệu quả của kỹ thuật can thiệp bào thai, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tiếp nhận các sản phụ có hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối để can thiệp bào thai.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cũng chia sẻ, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tập trung vào ba mục tiêu chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các mũi nhọn chuyên sâu và quản lý bệnh viện theo các quy trình chuẩn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Trước tình hình mới của dịch Covid-19, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã kích hoạt lại hệ thống chống dịch của đơn vị, thực hiện sàng lọc Covid-19 ở mức cao nhất vì ở đó có nhiều trẻ sơ sinh gồm cả sơ sinh non tháng và sơ sinh bệnh lý. Bệnh viện dành riêng một nơi để tiếp nhận và điều trị hàng trăm sản phụ và sơ sinh nhiễm Covid-19, trong đó có nhiều ca bệnh nặng.

Bên cạnh đó, Bệnh viện thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho nhân dân đặc biệt nhóm phụ nữ mang thai tại bệnh viện, phục vụ thăm khám, xét nghiệm miễn phí khi tiêm chủng cho người dân.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ: “Là người Thầy thuốc phải biết tu dưỡng tay nghề và y đức để có thể dành nhiều nhất sự yêu thương cho người bệnh”.

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi với phóng viên - Ảnh: Sơn Thuỷ

Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi với phóng viên - Ảnh: Sơn Thuỷ

Theo Sơn Thủy

KTĐU

Từ khóa: