Sự kiện hot
12 năm trước

Thêm bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa

Hàng trăm cuốn sổ ghi chép thời tiết hằng ngày của Trạm Khí tượng đảo Hoàng Sa thuộc Nha Khí tượng Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước đang được lưu giữ tại Trung tâm Tư liệu Khí tượng thủy văn - Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Hàng trăm cuốn sổ ghi chép thời tiết hằng ngày của Trạm Khí tượng đảo Hoàng Sa thuộc Nha Khí tượng Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước đang được lưu giữ tại Trung tâm Tư liệu Khí tượng thủy văn - Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Chỉ tính riêng tại Trung tâm Tư liệu Khí tượng thủy văn (KTTV) – Trung tâm KTTV quốc gia tại Hà Nội, có hàng trăm cuốn sổ ghi chép thời tiết trong ngày của Trạm KTTV đảo Hoàng Sa (nằm trong quần đảo Hoàng Sa) thuộc Nha Khí tượng quốc gia Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước đang được lưu giữ. Những bằng chứng sống động này một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.


Tên 2 quan trắc viên người Việt Nam được ghi cụ thể trong sổ ghi chép khí tượng thủy văn tại Trạm Khí tượng Thủy văn đảo Hoàng Sa từ hơn 60 năm trước

Đài Khí tượng Thủy văn Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Kỹ sư Nguyễn Duy Nguyên, Trưởng Phòng Bảo quản, quản lý dữ liệu, tư vấn dịch vụ số liệu KTTV - Trung tâm Tư liệu KTTV (Trung tâm KTTV quốc gia), cho biết sau năm 1954, Cơ quan KTTV Cộng hòa Pháp đã trao lại cho Trung tâm KTTV quốc gia Việt Nam số lượng lớn các sổ gốc ghi chép thời tiết trong ngày tại Trạm KTTV đảo Hoàng Sa (nguyên văn: Météorologie nationale - Station Pattle - Registre d’Observation et de Description du temps) thuộc Đài KTTV Đà Nẵng - Nha Khí tượng quốc gia Việt Nam trong những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước khi còn thời kỳ Pháp thuộc. Đây là trạm KTTV khu vực ghi nhận thời tiết trong cả quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông Nguyễn Duy Nguyên, ngoài lưu giữ tại Trung tâm Tư liệu KTTV, các sổ ghi chép thời tiết tại Trạm Hoàng Sa hay của Trạm Trường Sa còn được lưu giữ tại nhiều nơi như Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ, Đài KTTV khu vực Nam Bộ… Cùng với các sổ ghi chép thời tiết trong ngày ở Trạm Hoàng Sa, Cơ quan KTTV Cộng hòa Pháp cũng trao cho Trung tâm KTTV quốc gia hàng ngàn sổ ghi chép thời tiết trong ngày cùng thời gian này của các Trạm KTTV Liên Khương - Nha Trang, Tân Sơn Nhất – Sài Gòn, Sóc Trăng… “Trao lại các sổ ghi chép này, Cơ quan KTTV Cộng hòa Pháp muốn Cơ quan KTTV Việt Nam lúc bấy giờ nắm một cách hệ thống về hiện tượng KTTV của quần đảo Hoàng Sa để thuận lợi cho việc theo dõi và nghiên cứu sau này bởi khi đó Trạm KTTV đảo Hoàng Sa thuộc Đài KTTV Đà Nẵng” - ông Nguyễn Duy Nguyên nhấn mạnh.

Ghi chép nghiêm túc

Cũng theo ông Nguyễn Duy Nguyên, hàng trăm sổ ghi chép theo dõi thời tiết trong ngày của Trạm KTTV đảo Hoàng Sa ghi rõ trong từng trang (2 trang 1 ngày) vị trí của Đài KTTV Hoàng Sa là “Latitude (vĩ độ): 16° 33 N, ; Longitude (kinh độ): 111° 37 E” chính là đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Độ cao của trạm quan trắc là 5,5 m so với mặt nước biển... Đặc biệt ghi rõ điểm phát báo của Trạm KTTV đảo Hoàng Sa trong mạng quan trắc lưới quốc tế là 48860.

Dù có tuổi đời hơn 60 năm nhưng hàng trăm cuốn sổ theo dõi ghi chép tại Trung tâm Tư liệu KTTV đang bảo quản vẫn còn như ngày đầu. Từng trang giấy, số liệu, chữ số, chữ viết, tên người chịu trách nhiệm ghi chép trong ngày, chữ ký của trạm trưởng Hoàng Sa (người Pháp) mỗi ngày... vẫn hiện rõ mồn một. Nét mực in và chữ viết (bút mực, bút chì) vẫn còn đậm nét không cần phải phục chế vẫn dễ dàng đọc được bằng mắt thường. Đặc biệt, tên của 2 quan trắc viên (theo ca trực) theo dõi ghi chép lại thời tiết mỗi ngày đều là người Việt Nam.


Những cuốn sổ ghi chép khí tượng thủy văn được lưu giữ là bằng chứng rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Duy Nguyên nhận xét các sổ ghi chép này được thực hiện rất chi tiết cho thấy người theo dõi, ghi chép lại có thái độ làm việc hết sức nghiêm túc có trách nhiệm. “Ngoài số liệu chi tiết, sổ ghi chép KTTV tối kỵ việc tẩy xóa, chữ ghi lại phải đẹp, rõ ràng thì các sổ ghi chép này có thể nói là chuẩn mực. Việc theo dõi và ghi chép KTTV ở đảo Hoàng Sa được thực hiện liên tục trong nhiều năm” – ông Nguyên nói.

Sổ quan trắc rõ ràng, chi tiết

Theo ông Nguyễn Duy Nguyên, dù có những nội dung ghi chép số liệu KTTV khác đôi chút so với những ghi nhận KTTV của một trạm hiện nay nhưng những hiện tượng cơ bản như thời gian quan trắc, nhiệt độ, khí áp, lượng mưa, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió… trong các sổ ghi chép thời tiết ở đảo Hoàng Sa cách đây hơn 60 năm đều có đầy đủ. Mỗi cuốn sổ ghi chép thời gian theo dõi KTTV ở Hoàng Sa trong một tháng và người trong ngành gọi là sổ quan trắc. Sổ cũng ghi rõ việc ghi chép được phân theo quy định của Tổ chức Khí tượng Thế giới, cụ thể Việt Nam ở múi giờ 7 nên đầu ca trực là từ 7 giờ sáng hằng ngày. 

Thế Dũng
theo NLĐ


Từ khóa: