Sự kiện hot
12 năm trước

Thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa thuộc Việt Nam

Cách đây 80 năm (1932), Nghị định số 156 - QC của Chính phủ bảo hộ Pháp đã thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Cách đây 80 năm (1932), Nghị định số 156 - QC của Chính phủ bảo hộ Pháp đã thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Nghị định này xác nhận bởi Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại vào ngày 8.3.1938.

Tư liệu trên được công bố tại Hội thảo khoa học “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam” diễn ra ngày 30.10 do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh.


Tiến sĩ Nguyễn Nhã (phải) trao đổi với đại biểu bên lề hội thảo.

Bước ngoặt trong tiếp cận tài liệu quý hiếm

TS Nguyễn Nhã - một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng, hội thảo này là một tin vui cho các nhà nghiên cứu và cho sự nghiệp đấu tranh một cách hòa bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Vị chuyên gia về Biển Đông này từng nhiều lần đi tìm bản gốc của một số tài liệu quý hiếm về Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam nhưng đều tuyệt vọng vì rất khó tiếp cận. “Hội thảo này là bước ngoặt để các nhà nghiên cứu tiếp cận với tài liệu quý hiếm về chủ quyền biển đảo Việt Nam” - ông Nhã nhận định.

Ông Nhã đề nghị, các cơ quan lưu trữ cần thay đổi tư duy, rộng cửa để các nhà nghiên cứu có điều kiện tiếp cận, đồng thời công bố công khai những tài liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Nhã lưu ý, cần phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho các tài liệu lưu trữ.

Trước những ý kiến của các nhà nghiên cứu, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương cho biết, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông là một điểm nóng chính trị của khu vực.

Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan lưu trữ sẽ rộng cửa để các nhà nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học… tiếp cận nguồn tài liệu này.

Năm 1932, Hoàng Sa là 1 quận của Thừa Thiên

Cũng đề cập đến những tài liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Hoài (thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II) cho biết, ở đây đang lưu trữ các tài liệu bao gồm các nghị định, quyết định thiết lập chế độ hành chính ở các địa phương biên giới và các hải đảo như Hoàng Sa và Trường Sa…

Các tài liệu về việc phân định ranh giới, giải quyết tranh chấp lãnh thổ và thềm lục địa với các nước trong khu vực, các báo cáo và tường trình về các vụ xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải trái phép…

“Những tài liệu quý về chủ quyền biển đảo của Việt Nam vẫn còn nằm trong kho lưu trữ, chưa được khai thác. Do đó, việc công bố, giới thiệu những tài liệu này sẽ phát huy tối đa giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

TS Nguyễn Xuân Hoài

“Điển hình như năm 1932, Nghị định số 156-QC của Chính phủ bảo hộ Pháp thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nghị định này xác nhận bởi Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại ngày 8.3.1938” - ông Hoài nói.

Ngoài ra, ông Hoài cho biết, có nhiều tài liệu quý về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tài liệu này cho thấy, việc tranh chấp chủ quyền bắt đầu từ sau năm 1945, đến việc chính quyền Sài Gòn tập hợp các tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

“Đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt, là những minh chứng hùng hồn, có tính lịch sử và pháp lý liên quan đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc” - TS Hoài nói.

Trọng Mạnh
theo Dân Việt

Từ khóa: