Sự kiện hot
12 năm trước

Thêm sử liệu chống lại Trung Quốc

Nhiều tư liệu lịch sử do chính phía Trung Quốc ấn hành cách đây hơn 100 năm cho thấy đảo Hải Nam là cực Nam của lãnh thổ nước này

Nhiều tư liệu lịch sử do chính phía Trung Quốc ấn hành cách đây hơn 100 năm cho thấy đảo Hải Nam là cực Nam của lãnh thổ nước này.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng mới đây đã trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904.

Bản đồ này vẽ đảo Hải Nam là điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc, tức mặc nhiên thừa nhận các quần đảo ở biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa nằm ngoài lãnh thổ nước này. Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều tư liệu lịch sử quý báu để góp phần bác bỏ những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo nói trên.

Trung Quốc là nơi phát minh nghề in. Ngành in ấn và xuất bản của họ rất phát triển, riêng thời nhà Thanh đã xuất bản hàng trăm loại bản đồ. Vì vậy, chắc chắn còn có một số bản đồ khác với nội dung tương tự như trên, trong đó có cuốn Đại Thanh đế quốc toàn đồ (Toàn bộ bản đồ về đế quốc Đại Thanh). 

Đại Thanh đế quốc toàn đồ  là một tập sách bản đồ được khắc in và phát hành vào năm Quang Tự thứ 31, nhà Thanh, tức năm 1905. Những hình ảnh của tập  Đại Thanh đế quốc toàn đồ mà chúng tôi có được là tập tái bản, được in năm Tuyên Thống nguyên niên, tức năm 1908, do Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành (xem bìa cuốn sách - hình 1).

Bìa sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ

Cùng với các ấn phẩm về bản đồ khác của Trung Quốc đầu thế kỷ XX như  Trung ngoại dư địa toàn đồ - 1903 Đại Trung Hoa dân quốc phân tỉnh đồ - 1908..., Đại Thanh đế quốc toàn đồ được in ấn theo kỹ thuật phương Tây mà Trung Quốc tiếp thu được vào cuối thời Thanh.

Đây là tập bản đồ do chính triều đình nhà Thanh xuất bản, thể hiện lịch sử Trung Quốc trong khoảng 100 năm từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Toàn bộ tập bản đồ gồm 25 bức phản ánh sự phân chia hành chính của Trung Quốc, bao gồm  một bản đồ thể hiện toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 24 bản đồ vẽ từng tỉnh của nước này.

Bức thứ nhất (đệ nhất đồ) của tập bản đồ có tên Đại Thanh đế quốc (hình 2) thể hiện toàn bộ lãnh thổ và sự phân chia hành chính của nước Trung Quốc thời nhà Thanh. Bản đồ được vẽ theo tỉ lệ 1:12.000.000, thể hiện rõ ràng biên giới quốc gia, ranh giới các tỉnh, ký hiệu kinh thành, TP trực thuộc tỉnh, phủ, châu, huyện, các dãy núi, sông hồ, các trung tâm thương mại, nhượng địa...

Cũng giống như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, bản đồ Đại Thanh đế quốc cũng xác định rõ cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam (thời kỳ này, Hải Nam vẫn nằm trong bản đồ hành chính tỉnh Quảng Đông).

Tiếp theo, từ bức thứ hai  (đệ nhị đồ) đến bức thứ 25 (đệ nhị thập ngũ đồ) là lần lượt các bản đồ vẽ từng tỉnh (24 tỉnh) của Trung Quốc được liệt kê theo mục lục (hình 2) như sau: tỉnh Trực Lệ, tỉnh Thịnh Kinh, tỉnh Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Nam, tỉnh Giang Tô, tỉnh An Huy, tỉnh Giang Tây, tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Chiết Giang, tỉnh Hồ Bắc, tỉnh Hồ Nam, tỉnh Thiểm Tây, tỉnh Cam Túc, tỉnh Tân Cương, tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Quảng Đông, tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam, tỉnh Quý Châu, tỉnh Nội Ngoại Mông Cổ, tỉnh Thanh Hải Tây Tạng.


Bản đồ Đại Thanh Đế quốc cho thấy cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam

Trong các bản đồ vẽ từng tỉnh của tập sách, đáng chú ý nhất là bản đồ vẽ tỉnh Quảng Đông. Đây là bản đồ được vẽ theo tỉ lệ 1:2.250.000 với đầy đủ các thông tin như trong bức Đại Thanh đế quốc. Trong bản đồ thể hiện rõ ràng đảo Hải Nam khi đó có tên gọi là phủ Quỳnh Châu là cực Nam của tỉnh này, đồng thời cũng là cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc.  

Như vậy, cả bản đồ Đại Thanh đế quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông trong tập sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ đều xác định cực Nam lãnh thổ Trung Quốc cuối thời Thanh là đảo Hải Nam, hoàn toàn không có ghi địa danh nào gọi là “Tây Sa”, “Nam Sa”.

Đây là một trong những bằng chứng bác bỏ hoàn toàn quan điểm của phía Trung Quốc khi cho rằng nước này có chủ quyền từ thời cổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn của Việt Nam, một lập luận hoàn toàn vô căn cứ.

Trường Sa mãi trong tim ta

Tối 3-8, tại Nhà hát Truyền hình TPHCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật Trường Sa mãi trong tim ta do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM tổ chức.

Chương trình đã khắc họa đậm nét cuộc sống của chiến sĩ và người dân trên đảo, tình cảm yêu thương của người dân cả nước dành cho chiến sĩ và người dân ở Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng bằng tình yêu, niềm tin và ý chí sắt đá, chiến sĩ và người dân Trường Sa đã xây dựng một Trường Sa phát triển sinh động, hoàn thành nhiệm vụ cao cả, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chương trình còn là dịp để các nhạc sĩ, ca sĩ giao lưu và bày tỏ cảm xúc với những ca khúc dành tặng các chiến sĩ Trường Sa: Em hát về Trường Sa, Cánh cung mặt trời, Tình ca đảo xa, Thương lắm Trường Sa, Nỗi nhớ từ đảo xa...

Ph.Anh

theo Viện Hán Nôm

Từ khóa: