Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thép Mê Lin (MEL) báo lãi gần 2 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 93% trong quý II/2022

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu tăng 25% lên 411 tỷ đồng tuy vậy lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng.

CTCP Thép Mê Lin (MEL) đã công bố BCTC quý 2/2022 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trên nền kết quả kỷ lục của cùng kỳ.

Theo đó MEL báo doanh thu thuần đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, chi phí giá vốn hàng bán chiếm 148 tỷ nên lợi nhuận gộp ở mức hơn 13,5 tỷ đồng, giảm đến 64%.

Doanh thu tài chính chỉ hơn 279 triệu, tuy nhiên chi phí tài chính gấp 1,8 lần lên 7,7 tỷ đồng, trong khi đó chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ cùng kỳ.

Do đó sau cùng, Thép Mê Lin báo lãi quý 2 vỏn vẹn chỉ hơn gần 1,7 tỷ đồng, giảm mạnh đến 93% so với mức nền cao kỷ lục của quý 2/2021.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu tăng 25% lên 411 tỷ đồng tuy vậy lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp thép này cho biết, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.

Tính tới ngày 30/6, MEL ghi nhận tổng tài sản giảm xuống 574 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới 463 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn tăng so với đầu kỳ lên mức 305 tỷ đồng từ mức 238 tỷ đồng.

Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, VnDirect kỳ vọng việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư công thực hiện tăng và sự nóng lên của thị trường bất động sản, sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 5 - 10% so với cùng kỳ.

Theo đó, giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn, đạt 16,1 triệu đồng/tấn, và về mức 14,5 triệu đồng/tấn trong năm sau. Giá thép xây dựng giảm hạ bớt gánh nặng cho nhiều DN xây dựng khi thép thường chiếm khoảng 20 - 30% chi phí mỗi công trình.

Suốt thời gian dài, biên lợi nhuận của ngành thép chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, kèm theo đó là thị trường bất động sản trầm lắng và đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.

Theo SSI Research, sự sụt giảm về sản lượng như vậy do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU). Đây là những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60 - 70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.

Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm 2022 cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 - 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: