Dù đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng số tiền cả nước chi ra để nhập khẩu sắt thép trong 7 tháng năm nay đã lên đến 5,23 tỷ USD. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước trở nên khó khăn.
Thép nội đang khó cạnh tranh với thép nhập khẩu ẢNH: NGỌC DƯƠNG.
Gian lận thương mại gia tăng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 7, có hơn 8,93 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu (NK) về Việt Nam với trị giá 5,23 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu NK thép thậm chí đã vượt qua mức bán hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Đáng chú ý, kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép thì tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động NK cũng gia tăng. Gần đây nhất, các đơn vị thuộc Cục Hải quan TP. HCM đã phối hợp với Cục Hải quan Đồng Nai và Công an TP.HCM bắt giữ hơn 6.307 tấn thép, tổng trị giá gần 3 triệu USD NK sai khai báo hải quan để trốn thuế qua cảng Bến Nghé, TP. HCM.
Có rất nhiều chiêu thức mà các DN sử dụng để gian lận như nhập thép không gỉ cán nguội nhưng khai báo là thép không gỉ ở dạng cuộn, dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt - là loại sản phẩm không bị áp thuế chống bán phá giá; thép không gỉ cán nguội "đội lốt" thép không gỉ cán nóng; thay đổi xuất xứ từ Trung Quốc sang những quốc gia không bị áp thuế; thay đổi chủng loại sản phẩm như từ thép inox 304 (thành phần chứa 18% crom và 8% nikel) sang thép inox 204CU (thành phần chứa 13% crom và 1% nikel) hay khai mã HS khác… để lách thuế. Để đối phó với tình trạng này, toàn bộ hàng nhập trực tiếp tại các cảng như Cát Lái, Bến Nghé, Bình Dương… sẽ được hải quan kiểm tra gắt gao.
Trong khi NK thép vẫn ồ ạt vào Việt Nam thì theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến hết tháng 5/2017, các DN chỉ xuất khẩu được 1,83 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,24 tỷ USD, tăng 74% về giá trị. Nhập siêu thép tăng mạnh đang gây áp lực cho nền kinh tế nói chung và các DN trong nước nói riêng. Bởi hầu hết sản phẩm thép ồ ạt NK đều là các sản phẩm mà trong nước dư thừa. Đặc biệt do lách thuế nên giá các sản phẩm thép này rất rẻ, thép nội khó có thể cạnh tranh. Hệ quả là nhiều nhà máy phải vận hành dưới công suất thiết kế. Theo các DN thép, để tạo sự công bằng trên thị trường cũng như chống thất thu thuế, việc tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trong hoạt động NK thép phải được các bộ ngành, hải quan đồng lòng thực hiện. Với những DN đã có dấu hiệu bị nghi ngờ gian lận trong hoạt động NK thời gian qua, nên đưa vào "danh sách đen" để tăng cường kiểm soát.
Không khuyến khích đầu tư thép
Để sản xuất được 1 tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại. Trong nước thải sản xuất thép có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn khí CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại... Vì vậy, ngành sản xuất thép tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, đặc biệt nếu các nhà máy sử dụng công nghệ cũ vàkhông được đầu tư xử lý chất thải đúng mức.
(Nguồn: Hội Đúc luyện kim Việt Nam)
Công nghiệp thép trên thế giới đang ở giai đoạn "hoàng hôn", còn tại Việt Nam, sản xuất thép cũng trong tình trạng cung vượt cầu, thế nhưng đầu tư nhà máy thép vẫn được nhiều DN lên kế hoạch, tập trung chủ yếu vào thép xây dựng, thép cán nguội do công nghệ dễ, rẻ và nguy cơ gây ô nhiễm cao. Để ngăn ngừa tình trạng này, mới đây, các cơ quan có thẩm quyền đã không chấp thuận cho nhiều dự án đầu tư thép như dự án Hoa Sen Cà Ná, dự án của Công ty Yong Jin tại tỉnh Đồng Nai...
Trong thông báo của Thủ tướng Chính phủ về dự án thép Hoa Sen Cà Ná cũng yêu cầu "tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển dự án hợp lý". Theo các chuyên gia, bất kể DN trong và ngoài nước khi muốn đăng ký đầu tư sản xuất thép đều phải xem xét cẩn thận vì ngành thép còn ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt đây là ngành tiêu thụ rất nhiều điện, nước và nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nếu sử dụng công nghệ lạc hậu.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cảnh báo tình trạng dư thừa thép khiến nhiều DN Trung Quốc muốn chuyển sang Việt Nam để sản xuất và tiêu thụ, nếu không thận trọng chúng ta dễ rơi vào "bẫy" nhập công nghệ rác của nước này. Còn nói đầu tư thép để xuất khẩu thì càng khó. Bởi ngay tại thị trường nội địa, thép Việt đã khó cạnh tranh được với thép giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ thì nói gì đến cạnh tranh ở sân ngoại… Đó là chưa nói đến nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao từ các dự án thép.
“Ngoài việc dư thừa nguồn cung, khi xem xét các dự án đầu tư thép, cần đánh giá cả quá trình thực hiện, sử dụng loại công nghệ nào, "tiểu sử" của nhà đầu tư vì có những DN đã bị liệt vào danh sách chuyên gây ô nhiễm môi trường. Chính sách này phải được thực hiện đồng bộ từ các bộ ngành đến địa phương và thống nhất xuyên suốt từ nay về sau”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng sản xuất thép là một ngành tiêu hao năng lượng đồng thời lượng phát thải các loại chất thải khá lớn. Nếu sử dụng công nghệ lạc hậu càng khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng. Trong khi việc quy hoạch phát triển ngành thép trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, có tình trạng các địa phương cấp phép tràn lan. Thậm chí nhiều dự án thiếu báo cáo nghiên cứu khả thi, phân tích về thị trường, tác động môi trường… nhưng vẫn được ra đời. "Việt Nam không nên khuyến khích đầu tư ngành thép vì đó là điều không cần thiết. Chính sách này phải được thực hiện nhất quán từ trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong vấn đề cấp phép đầu tư", ông Trinh nhấn mạnh.
Mai Phương
Theo Thanh Niên