Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, một số chính sách mới và các văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản cũng như một số lĩnh vực liên quan.
Theo phân tích của Bộ Xây dựng, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế lớn như xây dựng, tài chính, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường vốn… và có sức lan tỏa đến trên 40 ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, để kịp thời ứng phó với tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu, thiên tai... đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp và hàng loạt các chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sát. Mục tiêu là để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh làm động lực thúc đẩy sự phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác.
Kể từ tháng 2/2023, chính sách mới về bất động sản bắt đầu có hiệu lực thi hành nổi bật là quy định sửa đổi việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa từ ngày 20/2/2023. Theo Thông tư 02/2023/TT-BTC (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2/2023), UBND các cấp sử dụng kinh phí do cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 35/2015/NĐ-CP.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc cụ thể. Trước tiên là hỗ trợ cho người trồng lúa: sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc như: phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, cùng với việc bãi bỏ một số quy định, chính sách liên quan đến bất động sản hết hiệu lực kể từ tháng 2/2023 thì cũng có những nơi ban hành chính sách mới có tác động đến lĩnh vực này. Đơn cử như tỉnh Gia Lai quy định về việc cho thuê đất với các thửa đất nhỏ hẹp. Từ ngày 7/2/2023, Quyết định 04/2023/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai quy định việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước trực tiếp quản lý, lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Bộ Xây dựng nhận định, hàng loạt các chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành thông qua các nghị quyết, chỉ thị, công điện, quyết định, kết luận hội nghị, cuộc họp, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực khác có tác động tương hỗ như tín dụng, trái phiếu... Tất cả điều này đã tạo ra các xung lực mới, tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Tiến Hoàng/KTDU