Thị trường tháng 6 có đôi nét khởi sắc khi các mặt hàng điện tử tăng trưởng tốt nhờ mùa Euro. Tuy nhiên, mặt hàng ĐTDĐ lại không may mắn như vậy khi doanh số tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Thị trường tháng 6 có đôi nét khởi sắc khi các mặt hàng điện tử tăng trưởng tốt nhờ mùa Euro. Tuy nhiên, mặt hàng ĐTDĐ lại không may mắn như vậy khi doanh số tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Số lượng giảm, giá trị tăng
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, nhập khẩu điện thoại di động trong tháng 6/2012 đạt khối lượng 1,19 triệu máy và trị giá 63,14 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về giá trị nhập khẩu lại tăng khoảng 9%. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số lượng nhập khẩu điện thoại di động đạt 6,26 triệu máy và trị giá 304,4 triệu USD, giảm 23,72% về lượng và 15,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.
Thị trường tháng 6 tiếp tục giảm sút
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu tăng lên là do xu hướng sử dụng các dòng điện thoại thông minh (smartphone) đang ngày càng rõ nét. Đặc biệt, từ khi các hãng sản xuất trong và ngoài nước đua nhau tung ra các smartphone giá rẻ càng khiến thị trường thêm sôi động.
Với mức giá từ 3 triệu đồng trở lên, đây là phân khúc mang lại lợi nhuận cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh. Trong khi các thương hiệu nổi tiếng như HTC, Samsung, Sony, Nokia đều đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao cấp thì các thương hiệu Việt như Q-Mobile, Mobiistar hay các thương hiệu nhỏ hơn như LG, Huawei… lại có kế hoạch tung ra một loạt smartphone đầy đủ tính năng với mức giá 1,5tr- 3tr.
Đây được xem là xu hướng tất yếu. Dự kiến, cuối năm 2012, smartphone Android có giá bán lẻ chỉ tầm 1,5 triệu đồng, cộng thêm cước sử dụng dịch vụ 3G ngày càng rẻ sẽ giúp cho lượng khách hàng sở hữu sản phẩm này tăng cao.
Mặc dù xu thế sử dụng smartphone đã bắt nguồn từ cuối 2011 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2012. Tuy nhiên, do mức sống tại Việt Nam vẫn còn thấp, đặc biệt là các khu vực ngoài thành thị, do đó, những sản phẩm giá rẻ, ít chức năng vẫn còn đất sống
Theo số liệu của Thế Giới Di Động thì những sản phẩm phổ thông vẫn chiếm thị phần lớn với hơn 50% số lượng máy bán ra tại hệ thống này. Đây cũng là phân khúc chịu nhiều sự cạnh tranh nhất khi mà tất cả các hãng lớn nhỏ đều nhắm đến. Vì thế, mặc dù số lượng bán ra vẫn cao nhưng giá trị và lợi nhuận của phân khúc này lại cực thấp.
Trong khi đó, phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận nhất – điện thoại cao cấp lại đang tăng trưởng tốt. Số lượng nhập khẩu điện thoại cao cấp vào Việt Nam các tháng qua liên tục tăng cao. Ba tháng đầu năm 2012, mức nhập khẩu trung bình 13 – 22,3 nghìn chiếc/tháng, tháng 4 tăng lên 50 nghìn chiếc, tháng 5 nhập khẩu 31 nghìn chiếc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chính là nguyên nhân khiến cho doanh thu của các đơn vị vẫn đảm bảo mặc dù thị trường tụt dốc thê thảm.
Tuy nhiên, dù smartphone tăng trưởng tốt thì vẫn không cứu vãn được thị trường chung khi mà tháng qua, thị trường ĐTDĐ vẫn tiếp tục giảm sút so với tháng trước đó. Tính riêng tại Thegioididong.com trong tháng 6 tổng số lượng ĐTDĐ bán ra tiếp tục giảm 2% so với tháng 5. Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường ĐTDĐ sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo: tháng 7, tháng 8 và tháng 9 – những tháng “thấp điểm” nhất trong năm.
Laptop, tablet tăng trưởng tốt
Trong khi doanh số ĐTDĐ giảm liên tục thì các mặt hàng điện tử lại có chiều hướng tăng trưởng tốt. Tháng qua, doanh số của ngành hàng điện tử tăng mạnh do tác động của mùa Euro. So với tháng 5/2012, ngành hàng điện tử tăng mạnh từ 20 – 30% tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm Tivi. Sự tăng trưởng này một phần là do nhu cầu của người dùng trong mùa Euro, nhưng một mặt cũng nhờ những chương trình khuyến mại, giảm giá rầm rộ của các siêu thị trong tháng qua.
Máy tính bảng iPad mới “hâm nóng” thị trường
Theo Bản Tin Chuyên ngành Điện – Điện tử- Máy tính của Bộ Công Thương ngày 25/6/2012 nhận xét: “Nhờ có Euro 2012, nhiều mẫu Tivi kích thước lớn trên 50 inches vốn thuộc hàng kén khách đã bán chạy hơn. Tuy nhiên, thị phần của những dòng máy này vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nhập khẩu. Chiếm áp đảo vẫn là những dòng tivi cỡ nhỏ và vừa, dưới 32 inches với 65% trong tổng số 85 nghìn chiếc tivi nhập khẩu trong tháng 5/2012. Lần thứ 2 trong năm, nhập khẩu tivi tăng mạnh cho thấy nhu cầu dùng tivi của người tiêu dùng trong nước khá cao và tâm lý thích mua các mặt hàng tivi thương hiệu nước ngoài là yếu tố chính thúc đẩy mặt hàng tivi có nhiều khởi sắc trong năm nay”.
Không chỉ mặt hàng Tivi, tháng vừa qua, thị trường laptop, máy tính bảng đều có chiều hướng tăng trưởng so với tháng trước đó. Trong đó, máy tính bảng tăng vào khoảng 10-20%. Theo thông tin từ Thế Giới Di Động, sở dĩ doanh thu của máy tính bảng tăng mạnh trong tháng vừa qua là do iPad mới đã có mặt chính thức tại các hệ thống chính hãng với mức giá ngang bằng với giá của các thị trường Châu Á. Điều này cho thấy, người dùng vẫn rất thích các dòng máy tính bảng của Apple. Ngoại trừ iPad mới và Samsung Galaxy Tab, các dòng máy tính bảng cao cấp của các thương hiệu khác bán rất chậm.
Trong khi đó, do kinh tế khó khăn nên các tablet giá rẻ như FPT Tablet, Kingcom C71… cũng bán rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý của người dùng hiện nay vẫn đang chờ đợi những dòng máy tính bảng mới sử dụng HĐH Windows 8. Vì thế, theo dự báo của các chuyên gia doanh số của mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các tháng tiếp theo khi các dòng máy mới được giới thiệu tại Việt Nam.
Bản tin của Bộ Công thương nhận xét: “Sau 1 năm kể từ khi xuất hiện trên thị trường, các loại máy tính bảng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cũng như giá thành sản phẩm còn quá cao. Tuy nhiên, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Garter, trước những tín hiệu khả quan và độ nóng của thị trường máy tính bảng, năm 2012, doanh số máy tính bảng sẽ tăng 200% so với năm trước”.
Theo Vietnamnet