Giá heo hơi (lợn hơi) biến động thất thường trong thời gian qua khiến nhiều chủ trại chán nản. Nhiều người giảm đàn, rao bán thiết bị, hoặc bán sạch đàn nái để cắt lỗ. Nhiều chủ trang trại nhỏ còn rao bán hoặc cho thuê trại.
Một trại nuôi heo tại Long Thành (Đồng Nai) đang rao cho thuê lại.
Giá heo ở mức thấp trong suốt gần 1 năm qua, có thời điểm xuống 17.000 – 20.000 đồng/kg. Từ ngày 14/7, giá heo đột ngột tăng, trong vòng chưa đến 10 ngày giá đã tăng gấp đôi lên 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người chưa kịp bán thì giá lại giảm. Hiện tại, giá heo tại các địa phương dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Đến thời điểm này, nhiều chủ các trang trại nhỏ đã không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục tái đàn. Họ rao bán hết đàn nái, thiết bị chăn nuôi, cho thuê lại trang trại hoặc bán cả trang trại. Phong trào này diễn ra ở nhiều tỉnh này như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk, Đồng Nai...mà theo lý giải của những chủ trại này, họ chỉ mong sớm thoát khỏi cảnh “suốt ngày thấp thỏm lo lắng giá heo sẽ xuống tiếp”.
Tuy nhiên, tình hình bán đàn cắt lỗ hoặc bán trại để trả nợ diễn ra không ồ ạt và chủ yếu là một số chủ trang trại nhỏ, có quy mô đàn nhỏ từ 10 đến vài chục heo. Họ không được ngân hàng hỗ trợ vốn như các trang trại lớn. Họ cũng không được đại lí thức ăn ưu ái cho nợ dài ngày như trại lớn, nên mỗi khi gặp khủng hoảng giá trong thời gian dài, họ rất khó cầm cự.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng như các trang trại quy mô hàng trăm nái trở lên ít bị động hơn so với các trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Bởi, họ đầu tư trang thiết bị hiện đại, biết cách tính toán chi phí ở mức thấp nhất cũng dự phòng tài chính trong các trường hợp giá giảm hoặc dịch bệnh. Do vậy họ
Bên cạnh các giải pháp dự phòng, đa số các trang trại lớn hiện nay còn được ngân hàng, đặc biệt là các công ty cám hỗ trợ. Hộ nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn, các trại lớn có tài sản thế chấp sẽ dễ vay hơn. Họ còn được nhà máy ưu ái, cho lấy cám trực tiếp nên có giá rẻ hơn so với qua đại lí. Ngoài ra, họ cũng được các nhà máy cám, thuốc thú y hỗ trợ bằng cách tăng hạn mức sản lượng, tăng nợ.
Theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, chu kỳ tăng - giảm giá heo hơi tại Việt Nam thường lặp lại khoảng hai năm một lần. Nghĩa là, cứ hai năm giá thấp thì sẽ có hai năm giá cao. Bởi khi giá thấp, người nuôi bỏ đàn nái thì ít nhất từ một năm sau đàn heo sẽ bị hụt, lúc đó cung không đủ cầu, giá lợn sẽ tăng trở lại. Khi đó, cơ hội sẽ thuộc về những ai còn đủ kiên nhẫn, tiềm lực để theo đến cùng.
Thanh sơn
Theo KTTD, Vietnambiz