Thị trường nội địa là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Thị trường nội địa được đánh giá là vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để đóng góp cho tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy tiêu dùng nội địa đang dần phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình khuyến mại, liên kết vùng, xúc tiến thương mại... Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc tổ chức các hoạt động này.
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng... Các chương trình này đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thị trường trong nước.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống