Khi một số ngân hàng tuyên bố cho vay chỉ 11% - 13%/năm, thị trường xuất hiện mức lãi suất huy động lên tới 14%/năm. Liệu có tình huống hiện tượng đang làm nhiễu bản chất?
Khi một số ngân hàng tuyên bố cho vay chỉ 11% - 13%/năm, thị trường xuất hiện mức lãi suất huy động lên tới 14%/năm. Liệu có tình huống hiện tượng đang làm nhiễu bản chất?
Cuối chiều 14/6, thị trường xôn xao khi xuất hiện mức lãi suất huy động VND 14%/năm. Mức lãi suất đột biến này có tại Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), áp riêng cho kỳ hạn duy nhất 13 tháng.
Với một mặt bằng phổ biến từ 9% - 11%/năm tại nhiều ngân hàng thương mại, mức 14%/năm là một hiện tượng. Tại những kỳ căng thẳng lãi suất trước đây, thị trường cũng từng đón nhận những “cú sốc” tương tự.
Ngày 11/6/2008, khi các ngân hàng đang nhìn nhau ở các mức lãi suất cao 17,5% - 17,8%/năm, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) tung ra mức khủng với 19,2%/năm. Ngày 8/12/2010, Ngân hàng Kỹ thương Techcombank gây xôn xao với sự kiện 3 ngày vàng lãi suất lên tới 17%/năm, trong khi các thành viên khác đang giằng co quanh mốc 15%/năm.
Cả SeABank và Techcombank trong hai sự kiện trên đều nhanh chóng phải gỡ bỏ mức lãi suất khủng ngay trong ngày. Còn lần này, Western Bank liệu có chịu áp lực nào không?
Ông Đặng Thành Tâm phát biểu tại lễ khởi công xây dựng công trình tòa nhà
trung tâm thương mại và văn phòng Western Bank Tower ngày 22/10/2011.
Về lý, Western Bank tuân thủ các quy định hiện hành. Ngân hàng Nhà nước đã “cởi trói lãi suất” cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cơ chế này nhằm động viên nguồn tiền gửi cho cơ cấu vốn trung và dài hạn. Mức 14%/năm đó được Western Bank áp cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện không được rút tiền trước hạn.
Ở một góc nhìn khác, thời gian qua vẫn còn âm ỉ thông tin ngân hàng vượt trần lãi suất, thì nay nếu có một sự đột biến nào đó thì có thể xem là sự cụ thể hóa các lãi suất cao một cách đường hoàng mà thôi.
Nhưng, cũng như trường hợp trên của SeABank và Techcombank, một sự vượt trội của lãi suất huy động phá vỡ mặt bằng chung, có thể gây xáo trộn trên thị trường và rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ lên tiếng. Sẽ không bất ngờ nếu có hiện tượng người dân rút tiền lãi suất thấp tại các ngân hàng khác và chuyển đến đây, gợi lại sự chạy quẩn của dòng vốn trong hệ thống; hay sẽ là một vấn đề lớn nếu có thêm nhà băng tiếp bước Western Bank, lúc đó sẽ không còn là hiện tượng.
Đặc biệt, với chủ trương giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt từ đầu năm đến nay, những mức lãi suất huy động vượt trội như một gáo nước lạnh dội vào mong đợi của doanh nghiệp, người vay vốn.
Khi khá nhiều nhà băng vừa công bố các gói cho vay lãi suất chỉ từ 11% - 13%/năm, mức 14%/năm đầu vào đó là một sự thực tham khảo.
Có thể đó chỉ là một hiện tượng gây nhiễu bản chất của xu hướng giảm lãi suất hiện nay; hoặc “vết thương” thanh khoản trong lòng hệ thống vẫn chưa lành, dù Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã tích cực hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém.
Với riêng Western Bank, là bình thường khi đó là cạnh tranh huy động mà cơ chế hiện hành cho phép. Huy động cao thì cho vay ra có thể cao để cân đối. Tham khảo báo cáo tài chính năm 2011, tại ngân hàng này, trong năm qua, lãi suất cho vay cao nhất từng ghi nhận mức khủng khiếp tới 29%/năm!
Cũng theo báo cáo tài chính, đến 31/12/2011 Western Bank ghi nhận những khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp khá lớn. Đó là 1.500 tỷ đồng trái phiếu Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với thời hạn 5 năm, lãi suất 11,5% - 12,5%/năm; 300 tỷ đồng trái phiếu Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), thời hạn 5 năm, lãi suất 12,5%/năm.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị của KBC và Saigontel là ông Đặng Thành Tâm.
Theo Datviet