Giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì USD phục hồi. Trong khi đó, giá dầu tiếp đà tăng sau khi Arab Saudi cam kết giảm sản lượng xuất khẩu trong buổi gặp mặt bộ trưởng các nước của OPEC diễn ra hôm thứ Hai.
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.
Trên thị trường vàng, giá giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/7) vì đồng USD tăng trên thị trường tiền tệ trong khi thị trường chờ đợi gợi ý mới về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Bên cạnh đó, việc trái phiếu chính phủ Mỹ và thị trường cổ phiếu đồng loạt tăng điểm cũng là nhân tố giúp đồng USD phục hồi so với euro và các đồng tiền chủ chốt khác.
Đồng USD tiếp đà tăng trong phiên giao dịch sau khi các thành viên đảng Cộng hòa nhất trí mở cuộc tranh luận về dự luật chấm dứt Obamacare.
Cuộc họp hàng tháng diễn ra trong hai ngày của Fed bắt đầu vào ngày hôm qua. Mặc dù không kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất trong phiên họp lần này, thị trường đang chờ đợi thông tin về thời gian cho lần tăng lãi suất sau và động thái tiếp theo của Fed.
Trong phiên giao dịch, đã có lúc đồng euro lên cao nhất kể từ tháng 8/2015 và thấp hơn một chút so với đỉnh 2,5 năm ở 1.1711 USD, nhờ cuộc khảo sát các doanh nghiệp Đức cho kết quả tốt hơn kỳ vọng. Chỉ số Ifo của Đức lên cao kỷ lục, cho thấy người Đức rất lạc quan về môi trường kinh doanh của đất nước mình.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tăng, vì cảm nhận của các nhà đầu tư trở nên lạc quan sau khi Arab Saudi cam kết giảm sản lượng dầu xuất khẩu, và OPEC cam kết thúc đẩy việc tuân thủ thỏa thuận giảm sản xuất.
Tại phiên họp của bộ trưởng các nước sản xuất dầu lớn ở St. Petersburg, Nga hôm thứ Hai, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falid cho biết quốc gia này sẽ hạn chế xuất khẩu dầu thô ở mức 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8, giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Ông cũng nói thêm thỏa thuận giảm sản lượng có thể được kéo dài qua tháng 3/2018 nếu cần thiết, nhưng việc này sẽ phụ thuộc vào các nước không tuân thủ cam kết.
Hồi đầu tháng 7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, tỷ lệ tuân thủ cam kết giảm còn 78% trong tháng 6.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhận định có thể giảm thêm 200.000 thùng dầu/ngày nếu các thành viên của OPEC tuân thủ 100% thỏa thuận.
Mặc dù đã gặt hái một số kết quả tích cực từ cuộc họp, OPEC vẫn phải tiếp tục hạn chế sản xuất và giảm dự trữ dầu xuống mức trung bình trong 5 năm, mức mục tiêu của OPEC và các nước ngoài OPEC.
Số liệu của OPEC chỉ ra, dầu dự trữ tại các quốc gia công nghiệp đã giảm 90 triệu thùng trong 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn đạt 250 triệu thùng, trên mức trung bình trong 5 năm.
Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về dầu tồn kho của Mỹ.
Các chuyên gia phân tích dự báo, dầu tồn kho của Mỹ sẽ giảm khoảng 2,6 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 21/7, ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ tăng điểm, vì cổ phiếu ngành nguyên liệu cơ bản, tài chính và dầu khí tăng.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 ghi nhận mức cao kỷ lục mới, tăng 0,3% lên 2.477 điểm,. Chỉ số Dow Jones tăng 0,47%, kết thúc phiên giao dịch với mức kỷ lục 21.613,43 điểm; trong khi đó, Nasdaq tăng 0,02% lên 6.412,17 điểm.
Tố Tố
Theo KTTD, Vietnambiz