Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua vì đồng USD giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong khi đó, giá dầu phục hồi nhờ số liệu mới cho thấy dự trữ dầu và xăng của Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp trong tuần trước.
Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.
Trên thị trường vàng, giá lên đỉnh gần 7 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (31/7), vì đồng USD xuống thấp nhất 15 tháng so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường tiền tệ và nghi ngờ gia tăng về khả năng tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Chủ tịch Fed tại St. Louis, ông James Bullard cho biết không ủng hộ ngân hàng trung ương tiếp tục nâng lãi suất, và cảnh báo điều đó có thể cản trở Fed đạt được mức lạm phát mục tiêu 2%.
Các chuyên gia phân tích nhận định phát biểu của ông Bullard đã củng cố thêm sự hoài nghi về một lần tăng lãi suất trong năm nay của Fed. Theo CME Group, đặt cược cho việc Fed nâng lãi suất trong tháng 12 là khoảng 46%.
Trái ngược với rủi ro chính trị và bất ổn chính sách tiền tệ khiến đồng USD suy yếu, đồng tiền chung châu Âu nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ từ từ bắt đầu dừng chính sách nới lỏng định lượng.
Ngoài ra, số liệu kinh tế của khu vực đã củng cố quan điểm ECB đang trên đà thắt chặt chính sách tiền tệ, được xem là một kịch bản có lợi cho đồng euro.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Sáu này.
Trên thị trường dầu, giá dầu thô giao tương lai tăng, nhờ số liệu cho thấy nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp trong khi hoạt động lọc hóa dầu vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Giá dầu phục hồi từ mức giảm 2% trong phiên giao dịch trước đó, sau khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lương (EIA) chỉ ra dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ giảm trong tuần trước, cho thấy nhu cầu về dầu và hoạt động lọc dầu đang tăng lên.
Cụ thể, dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 1,5 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 28/7, thấp hơn mức dự báo đưa ra trước đó là giảm 2,9 triệu thùng. Mặc dù vậy, số liệu này vẫn đánh dấu dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 5 liên tiếp.
Xăng tồn kho giảm 2,5 triệu thùng, nhiều hơn dự báo là giảm 636.000 thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chứng cất giảm 150.000 thùng, so với kỳ vọng đưa ra trước đó là chỉ giảm 525.000 thùng.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các nhà đầu tư gia tăng nghi ngờ về khả năng giải quyết nguồn cung dư thừa của OPEC, sau khi các số liệu chỉ ra sản xuất của tổ chức tăng lên cao nhất trong năm ở mức 33 triệu thùng/ngày. Sản lượng của OPEC tăng bất chấp cam kết nâng cao sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm của tổ chức.
Trong tháng 5, OPEC và các thành viên ngoài OPEC đồng thuận kéo dài thời gian giảm sản xuất thêm 9 tháng, sang tháng 3/2018 nhưng duy trì mức cắt sản lượng là 1,8 triệu thùng/ngày như thỏa thuận đạt được vào tháng 11/2016.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ biến động trái chiều, vì sự phục hồi ổn định của cổ phiếu ngành công nghệ.
Chỉ số Dow Jones tăng 0,24%, kết thúc phiên giao dịch với mức kỷ lục mới trên 22.000 điểm, với sự hỗ trợ từ cổ phiếu của Apple, tăng hơn 4% sau khi tập đoàn công nghệ khổng lồ công bố báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, Nasdaq giảm 0,01% xuống 6.362,65 điểm. Kết thúc phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 0,05% lên 2.477,57 điểm.
Tố Tố
Theo KTTD, Vietnambiz