Sự kiện hot
8 năm trước

Thị trường thế giới ngày 30/5: Giá vàng chạm đỉnh gần 1 tháng

Biên độ giao dịch ngày thứ Hai (29/5) thấp vì các thị trường lớn đều đóng cửa nghỉ lễ. Giá vàng lên cao gần 1 tháng vì đồng USD suy yếu, trong khi giá dầu tăng nhẹ vì lo ngại sản xuất dầu ở Mỹ tăng ảnh hưởng tới nỗ lực kiềm chế nguồn cung dư thừa của OPEC.

Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới. Tổng hợp: Tố Tố.

Trên thị trường vàng, giá chạm đỉnh gần 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/5) với đồng USD giảm nhẹ và sự rút lui trên thị trường chứng khoán giúp duy trì đà tăng của phiên giao dịch trước đó.

Giá vàng lên cao nhất kể từ ngày 1/5 vào thứ Sáu (26/5) với 1.269,5 USD/ounce, vì lo ngại về cuộc đàm phán của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo các nước của G7, khiến nhà đầu tư mua vàng để thay thế cho các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu.

Trong hội nghị thưởng đỉnh G7 và buổi gặp mặt của lãnh đạo các nước NATO vào tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu hôm Chủ nhật rằng Liên minh châu Âu (EU) đã không còn có thể phụ thuộc hoàn toàn vào các đồng minh của mình.

Bên cạnh đó, dưới áp lực của G7, ông Trump đã ủng hộ cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại vào hôm thứ Bảy, nhưng từ chối thông qua hiệp định về biến đổi khí hậu, vì cần thêm thời gian để quyết định.

Thị trường cũng chờ đợi buổi họp vào tháng tới của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) để có thêm thông tin về lập trường của Cục Dự trữ liên bang (Fed) về việc nâng lãi suất.

Trên thị trường dầu, giá tăng nhẹ vì thị trường vẫn lo ngại về việc gia tăng hoạt động khai thác dầu ở Mỹ ảnh hưởng tới nỗ lực thắt chặt nguồn cung của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

OPEC và các nước ngoài OPEC đã thống nhất kéo dài cam kết cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày tới tháng 3/2018 vào tuần trước. Thỏa thuận ban đầu chỉ có hiệu lực trong 6 tháng, từ tháng 1 – tháng 6/2017.

Trong khi OPEC và một vài nước khác như Nga cố gắng giảm lượng dầu tồn kho, sản lượng của Mỹ tăng 10% kể từ giữa năm 2016. Sản lượng đầu ra của Mỹ đạt hơn 9,3 triệu thùng/ ngày, gần với mức khai thác của các nước lớn như Nga và Arab Saudi.

Theo công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan của Mỹ tăng 19 tuần liên tiếp, nâng tổng số giàn khoan lên 722, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015.

Ngay cả khi số giàn khoan không tăng, ngân hàng Goldman Sachs cũng ước tính sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 785.000 thùng/ ngày giữa quý IV/2016 và quý IV/2017 ở các mỏ Permian, Eagle Ford, Bakken và Niobrara.

Các chuyên gia phân tích sẽ tiếp tục theo dõi liệu việc cắt giảm của OPEC có kiềm chế được nguồn cung dư thừa toàn cầu.

Trên thị trường tiền tệ USD biến động nhẹ so với các đồng tiền chủ chốt khác trong ngày hôm qua với thị trường tài chính Mỹ đóng cửa vì ngày lễ Tưởng niệm. Đồng yen Nhật không có quá nhiều phản ứng sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào sáng sớm ngày thứ Hai.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu (2/6). Số liệu được kỳ vọng sẽ cho thấy điều kiện của thị trường việc làm vẫn duy trì ổn định. Ngoài ra, một báo cáo việc làm tốt sẽ củng cố kỳ vọng nâng lãi suất trong tháng tới của Fed.

Báo cáo được công bố thứ Sáu tuần trước chỉ ra nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong ba tháng đầu năm. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,2% trong quý I, so với ước tính ban đầu là 0,7%.

Đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ quý I/2016, mặc dù vậy các nhà kinh tế học nhận định tăng trưởng sẽ phục hồi mạnh trong quý II.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiếp tục giữ thái độ thận trọng đối với tình hình chính trị đang diễn ra xung quanh chính quyền của Tổng thống Trump.

Các hợp đồng tương lai gợi ý thị trường chứng khoán châu Á sẽ thay đổi nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/5) vì các thị trường lớn trên thế giới đóng cửa nghỉ lễ vào ngày hôm qua.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,04% lên 19.690 điểm. Trong khi chỉ số ASX 200 của Australia tăng 0,04% lên 5.709 điểm.

Thị trường Hồng Kông và Trung Quốc sẽ đóng cửa ngày hôm nay vì nghỉ lễ

Tố Tố
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: