Sự kiện hot
2 năm trước

Thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trong năm 2023

Thống kê của Vasep cũng cho thấy với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5-2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Triển vọng xuất khẩu và tiêu thụ cá tra tại thị trường Mỹ trong năm 2023

Theo hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm tới, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng nhập khẩu. Nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Dự báo các phân khúc tiêu thụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ Tết nguyên đán năm nay. Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra gần 2,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay.

Trong đó, nổi trội nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị nhập khẩu cá tra của toàn khối. Thị trường này đã thu hút được gần 80 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Sau Covid, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2022, các nước ASEAN cũng chịu tác động của “3 cơn lốc” là việc hạn chế tại thị trường Trung Quốc do Covid, xung đột Nga – Ukraine và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, ASEAN vẫn tăng trưởng tốt hơn và chịu tác động lạm phát ít hơn.

Năm 2022 xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Sau đỉnh dịch, lượng tồn kho còn nhiều, sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng. Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20-55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra tăng thị phần.

Lạm phát đang làm sụt giảm nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới, xuất khẩu cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng, nhưng với lợi thế về nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp, xuất khẩu cá tra sẽ vẫn duy trì ổn định hơn so với các ngành hàng khác và dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bình ổn trở lại.

Bên cạnh đó, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các doanh nghiệp cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.

Với những xu hướng thị trường này, kỳ vọng là các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt nắm bắt cơ hội và lợi thế thị trường để giữ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: