Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thị trường trong nước là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho nền kinh tế

Trong bối cảnh mà xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố và trở thành "điểm tựa" vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Mặc dù doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm, nhưng thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa (BLHH) và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tăng đến 13,5%, hàng may mặc tăng 9,5%.

Quy mô tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy sức cầu của thị trường trong nước lớn hơn, đặc biệt là vai trò đầu tàu dẫn dắt về kinh tế của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khi 2 thành phố này vẫn giữ mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu và tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 của Hà Nội tăng 10,4%, trong khi đó của TP Hồ Chí Minh tăng 7,1%.

Thị trường trong nước là trụ cột quan trọng hỗ trợ cho nền kinh tế - Ảnh 1

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố và là “điểm tựa” vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển cũng như phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam. Điều này góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 với một trong những giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo điều hành là “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ TTTN, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức BLHH và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%”.

Phân khúc siêu thị và trung tâm thương mại giảm sút mạnh nhất, chiếm 20-25% tổng hàng hóa bán lẻ. Đối tượng chủ yếu của phân khúc này là tầng lớp trung lưu, nhưng do tình hình kinh tế hiện tại dẫn đến giảm việc làm, họ sẽ không tiêu dùng trong phân khúc này và chuyển sang các phân khúc khác. Trong khi đó, doanh thu từ thương mại điện tử đang tăng mạnh, lên đến 25% và chiếm 8% tổng mức hàng hóa bán lẻ. Mặc dù có vẻ như sức mua của người dân yếu đi, nhưng thực tế là họ vẫn tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu. Thay vì mua hàng hiệu đắt tiền, người tiêu dùng có thể chuyển sang mua hàng phân khúc thấp hơn, đồng nghĩa với việc hàng Việt Nam sẽ có lợi thế hơn.  

Dự báo thị trường sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm nhờ vào các chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích khác của Chính phủ. Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực như kỳ vọng. Theo báo cáo của Nielsen IQ, xu hướng chuyển động của thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2023 là lối sống cẩn trọng và lạc quan với các NTD. Sự giảm thiểu các hoạt động ăn uống/giải trí bên ngoài và tập trung vào lập kế hoạch cho tương lai đang được ưu tiên.

Bảo An

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: