Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thích thú ngôi làng “thả thăm” đưa trâu ra đồng

Sau mùa gặt tháng 5, toàn bộ trâu trong làng được tập hợp lại lùa ra cánh đồng Bùi để chăn. Các gia đình có trâu họp bàn lại với nhau bốc thăm lần lượt thứ tự của mình để ra thăm.

“Thả thăm” cho trâu ra đồng

Đối với tôi một cô bé lớn lên ở vùng quê nghèo, từ nhỏ đã gắn liền với ruộng nương. Những đứa bé như chúng tôi từ nhỏ đã biết ra đồng chăn trâu, dường như nó gắn liền với ký ức tuổi thơ. Hình ảnh con trâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với xóm làng, đồng ruộng quê hương Việt Nam.

Giờ đây nông nghiệp đã được máy móc hóa, nên hình ảnh những cô cậu học trò cưỡi trên lưng trâu thẩn thơ bên cánh đồng lúa vàng, nét chấm phá đặc trưng ở miền quê nghèo đã dần trở nên thưa thớt. Nhưng tại thôn Hòa Bình, xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh vùng đất núi đồi bao la, thật hạnh phúc khi bạn có thể chứng kiến hình ảnh đàn trâu cả trăm con gặm cỏ giữa cánh đồng mênh mông.

Khi máy móc cơ giới len lỏi vào những cánh đồng xa xôi nhất thì đàn trâu tại mảnh đất nơi đây vẫn còn khá đông đúc bởi nó gắn với văn hóa, tập tục lâu đời của bà con.

Những con trâu đang vùi mình dưới đầm lầy.

Tôi có dịp về thăm Thanh Lộc vào một ngày đẹp trời tháng 8, nhìn cánh đồng bao la với hàng trăm con trâu đang ung dung gặm cỏ khiến bao kí ức tuổi thơ của tôi lại ùa về. Lân la giữa cánh đồng tôi gặp được bác Phan Mỹ, hôm nay là đến phiên chăn trâu của bác, bác kể: “Tôi năm nay đã 60 tuổi, 10 tuổi đã biết ra đồng cắt cỏ, chăn trâu cho bố mẹ. Chớp mắt cái giờ đã 50 năm gắn liền với con trâu, đồng ruộng rồi.”

Bác nói, làng tôi cứ đến mùa tháng 5 (ÂL), sau khi cả làng gặt xong, những gia đình nuôi trâu, bò lại tập trung nhau lại đưa trâu ra đồng thả, rồi bốc thăm thay phiên nhau trông coi, đến tháng 11 trâu nhà ai lại dắt về nhà nấy để tiếp tục làm đất gieo vụ tiếp theo. Tôi cũng chẳng biết phong tục này có từ bao giờ chỉ biết từ khi sinh ra tục này đã có rồi. Nó giống như một nét văn hóa đặc sắc riêng của vùng Thanh Lộc quê tôi.

Bác Mỹ đang kể cho chúng tôi nghe về nét văn hóa đặc sắc của làng

Nhìn cánh đồng Bùi xanh mướt, từng đàn trâu cứ nhởn nhơ gặm cỏ thật yên bình. Bác nói tiếp: Hiện tại thôn tôi có hơn 30 hộ có trâu ở đây, trước thì nhiều những giờ họ cũng bán bớt nên chỉ còn khoảng 45 con nữa thôi. Tôi cũng vừa mới bán 2 con vào tuần trước.

Để tiện cho việc chăn trâu, người dân trong làng dựng một túp lều tranh ngay giữa cánh đồng. Đây vừa là chỗ tránh mưa, tránh nắng cũng là nơi nghỉ ngơi của những người được cắt cử ra đồng thăm trâu.

Túp lều bằng tranh được người dân trong làng dựng lên làm chỗ nghỉ ngời cho những người đi thăm trâu.

Bác Mỹ cho hay, chăn trâu tuy dễ nhưng cũng cần có mẹo để đàn trâu của mình không lạc vào đàn trâu của xã khác mà lại nhàn thân. Cứ mỗi lần thấy đàn trâu của xã khác lại gần chỉ cầm một cái ống nhựa trong có mấy viên đá, lắc lắc thật mạnh, chúng sẽ chạy đi nơi khác.

Bác Mỹ đang kể cho chúng tôi nghe về nét văn hóa đặc sắc của làng

Được biết, nét văn hóa này giờ chỉ còn có một thôn của Thanh Lộc và một thôn của phường Đậu Liêu là còn gìn giữ đến tận bây giờ.

Trâu làng tôi ban ngày trâu sẽ ra đồng gặm cỏ, đến chiều tối chúng lại được cho về con sông gần đó để nằm nghỉ ngơi, tắm mát kết thúc một ngày, sang ngày mai lại có người khác thay phiên. Còn đối với phường Đậu Liêu bên cạnh họ lại làm một cái chuồng lớn giữa đồng, buổi tối họ sẽ lùa tất cả trâu vào đó.

Phong tục từ lâu đời

Chủ tịch xã Thanh Lộc ông Nguyễn Quang Phú cho biết: “Tục “thả thăm” này cũng không biết có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên trong xã này thì đã tồn tại phong tục này rồi”.

Vị Chủ tịch xã giải thích, “thả thăm” có nghĩa toàn bộ những nhà chăn nuôi trâu, bò họp lại với nhau rồi bốc thăm thứ tự. Nếu trâu bò nhiều thì 2 người sẽ ra đồng thăm trâu một lần, còn ít chỉ 1 người (Như 40 hộ thì lượt đầu tiên sẽ là hộ có thăm số 1 và số 21) luân phiên nhau cho đến hết vòng rồi tiếp tục quay lại.

Ở cánh đồng Bùi này, người dân chỉ làm được một vụ nên còn lại cánh đồng bỏ không, nên mọi người tận dụng để chăn, thả trâu bò.

Trước đây, khi trâu bò đang nhiều thì hầu như các thôn đều tập trung trâu, bò ra cánh đồng Bùi để thả, sau này trâu, bò ít hơn việc duy trì tục “thả thăm” ít dần, giờ trong xã chỉ còn thôn Hòa Bình là đang duy trì được đến bây giờ. Các thôn khác dường như trâu bò ít nên nhà nào tự chăn của nhà nấy.

Bên cạnh đó thời tiết cũng nắng nóng hơn nên người ta chỉ tập trung thả trâu ra đồng, còn bò thì vì không chịu được nắng nên họ chỉ chọn những vị trí nhim mát để chăn thả thôi.

Theo ông Phú, tục “thả thăm” cũng là một nét văn hóa độc đáo của địa phương, vừa tạo kinh tế, nhưng cũng tạo tính đoàn kết, tính quần thể, tập trung.

Diễm Phước/KTĐU

Từ khóa: