Những miếng thịt heo được bày bán ngay bên đường đầy khói xe, bụi bặm trong mùa nắng nóng tại TP HCM đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.
Thịt heo được bày bán bên các con đường đầy khói bụi trong mùa nắng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm. Ảnh Đại Việt
Tại một khu chợ tự phát trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), có hàng chục sạp thịt heo buôn bán ngay sát lòng đường An Dương Vương đang trong giai đoạn thi công, cải tạo. Mặt đường liên tục nổi lên những làn bụi mù mịt sau những cơn gió mạnh, khói xe của hàng ngàn phương tiện lưu thông cũng khiến cho con đường này càng trở nên ô nhiễm, người đi đường phải luôn bịt khẩu trang kín mít.
Thế nhưng, các sạp thịt heo bên đường vẫn được bày bán trong cái nắng chói chang và đầy khói bụi. Chỉ với một chiếc bàn gỗ đơn giản, người dân đã có thể nhập thịt heo về và bán ngay bên đường. Buổi trưa, các miếng thịt heo bị khô lại vì nhiệt độ ngoài trời tăng cao, màu thịt chuyển qua thâm tím và bám đầy bụi bặm, ruồi nhặng.
Một người kinh doanh thịt heo cho biết, thịt được lấy về từ một đầu mối giết mổ nên chị cũng không biết chất lượng có đạt tiêu chuẩn hay không. Gia đình chị chỉ biết nhập về rồi bán. Mỗi ngày bán từ khoảng 60-80kg thịt heo.
Thịt heo được bán tại một chợ tự phát trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân. Ảnh Đại Việt
Chúng tôi tiếp tục đi qua một khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Thị Búp (quận 12), tại đây cũng có 8 sạp thịt heo đang được bày bán. Sát bên khu chợ tự phát là một điểm tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn với đủ các mặt hàng như cát, đá, xi măng…Xe tải, xe chở vật liệu, tấp nập ra vào trên con đường khiến các sạp thịt heo cũng là “nạn nhân” của khói bụi, ô nhiễm.
Theo ghi nhận tại nhiều nơi khác, thịt heo cũng được bày bán một cách mất vệ sinh ngay ven đường như: Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), đường Đông Bắc (quận 12), khu vực ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân)….
Chị Trần Thị Vân (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, chị thường xuyên mua thịt heo ở chợ tự phát gần nhà vì tiện lợi, không phải đi xa, mặc dù có hơi chút bất an về chất lượng thịt không rõ nguồn gốc.
“Tôi còn con nhỏ, giờ mà phải vào siêu thị thì cũng cách nhà 2km nên tôi mua thịt ở gần nhà để tiết kiệm thời gian”, chị Vân nói.
Anh Phạm Văn Hòa (ngụ quận Tân Phú) chia sẻ, gia đình anh cũng mua thịt heo của một người bán hàng ở đầu hẻm. Thịt heo bán ở đó cũng không rẻ hơn trong siêu thị nhưng do quen rồi nên mua thường xuyên. Gia đình anh cũng chưa gặp vấn đề nào về sức khỏe khi ăn thịt heo ở đó.
Một sạp thịt heo bán giữa trời nắng nóng ngay cạnh điểm tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh Đại Việt
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện tại, trên địa bàn TP HCM có khoảng 170 chợ tự phát. Đây là một “bài toán” khó đối với Thành phố vì khi dẹp chợ tự phát này lại có chợ tự phát khác “mọc” lên do nhu cầu, thói quen của người dân là không muốn phải gửi xe vào chợ và muốn mua bán ngay trên lề đường. Tiểu thương ở chợ tự phát cũng không phải mất nhiều chi phí kinh doanh như ở chợ được quy hoạch để buôn bán.
Theo Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm bày bán trên vỉa hè bị khói, bụi và hạt nhiên liệu từ các phương tiện bám vào nên rất mất vệ sinh. Từ việc buôn bán mất vệ sinh như vậy sẽ dẫn đến thịt heo bị biến chất và dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng.
Trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao thì thịt heo dễ bị hư hỏng chỉ trong vài giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các loại ký sinh trùng cũng sẽ bám vào thịt và gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa. Người dân cần mua thực phẩm ở những nơi buôn bán an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.
Đại Việt
Theo VNM - PL.XH