Sự kiện hot
7 năm trước

Thoái vốn nhà nước: Trăn trở chuyện giữ thương hiệu Việt

Habeco, Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Dược Hậu Giang, Traphaco… những thương hiệu Việt giá trị nhất có đứng trước nguy cơ biến mất khi Nhà nước mạnh tay thoái vốn từ nay đến năm 2020?

Carlsberg Việt Nam có kế hoạch mở rộng đế chế tại Đông Nam Á và mục tiêu của họ là tăng sở hữu tại Habeco

"Nóng" sức cầu

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cho biết, trong chuyến công tác Thái Lan mới đây, cổ đông lớn của BMP là The Nawaplastic Industry, trực thuộc Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã bày tỏ việc muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại BMP và tham gia vào đợt thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, thị giá BPM theo đánh giá của họ là khá cao và e ngại việc Nhà nước định giá cao hơn cả thị giá cổ phiếu trên sàn khi thoái vốn.

Sự rụt rè này của cổ đông Thái Lan có vẻ quá xa vời. Từ cách đây 1 năm, đã có đơn vị môi giới cho biết, họ có thể tìm được nhà đầu tư sẵn sàng trả giá gấp đôi cho BMP nếu được mua cả lô cổ phần Nhà nước thoái vốn. 100 triệu USD hoặc thậm chí 200 triệu USD cho lô cổ phần xấp xỉ 30% vốn tại BMP không phải là số tiền “khó chi” với tổ chức hoặc cá nhân trong khu vực và trên thế giới.

The Nawaplastic Industry cũng đang là cổ đông lớn của của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất miền Bắc. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại NTP là 37,1%. Nếu nhà đầu tư ngoại mua được trọn lô cổ phần này, họ sẽ có tiếng nói chi phối tại doanh nghiệp.

Một trong những mục tiêu của nhiều “thợ săn” M&A, theo kinh nghiệm của giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia quốc tế về thương mại, là nhằm biến thị trường của người mua thành của người bán và dễ bề độc diễn về giá. Bởi vậy, có không ít ý kiến e ngại, nếu nhà đầu tư Thái Lan nắm quyền chi phối tại 2 công ty nhựa hàng đầu Việt Nam, thị trường nhựa xây dựng có thể bị thâu tóm.

Tương tự là những e ngại về ngành dược. Theo kế hoạch đã đặt ra, năm 2017, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái 34,71% vốn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC). Hiện cổ đông lớn là Tập đoàn Abbott (Mỹ) đã nắm quyền chi phối tại Domesco với tỷ lệ 51,69% cổ phần.

Vào cuối năm 2016, cổ đông nước ngoài này đã hiện diện sâu hơn tại doanh nghiệp khi cử thêm 2 thành viên tham gia HĐQT, Ban kiểm soát. Họ cũng có cuộc gặp gỡ trao đổi với toàn bộ người lao động Domesco để chuyển tải những thông điệp mới.

Nếu mua lại lô cổ phần của SCIC, Tập đoàn Abbott sẽ hoàn toàn chi phối Domesco. Hiện thị giá cổ phiếu DMC đã leo lên cao nhất trong số các doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết, đạt 112.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, tại Traphaco là câu chuyện thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mekong Capital và Vietnam Holding khi thời điểm đóng quỹ đang cận kề. Một nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán cho biết, với lô cổ phần lên tới trên 40% vốn của Công ty, có những nhà đầu tư chấp nhận trả giá cao hơn tới 30% thị giá trên thị trường để mua toàn bộ. Họ là tập đoàn sản xuất dược phẩm nước ngoài, không phải quỹ đầu tư tài chính.

Theo các cam kết hội nhập của Việt Nam, các hãng dược phẩm nước ngoài không được trực tiếp phân phối thuốc tại thị trường nội địa, do vậy, rất có thể việc sở hữu chi phối cổ phần của các công ty dược sẽ là chiến lược “một mũi tên trúng nhiều đích”. Bởi đây vừa là khoản đầu tư có hiệu quả, vừa có thể chuyển giao, phân phối thuốc của chính họ và nhiều tập đoàn nước ngoài khác tại thị trường Việt Nam.

Tại lĩnh vực bia, chủ trương thoái vốn nhà nước tại Sabeco đã được cụ thể hóa bằng việc Nhà nước sẽ không bán cả lô mà chia nhỏ thành nhiều món, trước mắt giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%, sau đó sẽ bán tiếp.

Còn tại Habeco, vừa có sự thay đổi nhân sự cấp cao khi tổng giám đốc đương nhiệm bị rút về phụ trách chính việc thoái vốn và phó tổng giám đốc lên thay. Ở doanh nghiệp này, Carlsberg, cổ đông lớn sẽ không chịu thoái lui để mất quyền mua ưu tiên theo các cam kết đã có từ 10 năm trước.

Trong một lần trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tayfun Uner, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam cho biết, nhà sản xuất bia đứng thứ ba thế giới có kế hoạch mở rộng đế chế tại Đông Nam Á và mục tiêu của họ là tăng sở hữu tại Habeco.

Hợp tác cùng thắng (win-win)

Động thái chia cổ phần Sabeco thành nhiều đợt thoái vốn có thể được hiểu nhằm mục tiêu tránh dồn lượng lớn cổ phần vào một tay nhà đầu tư. Đồng thời, tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn cho các lô cổ phần sau bởi nhà đầu tư muốn gia tăng sự hiện diện tại doanh nghiệp sẽ phải trả mức giá tốt hơn. Tương tự là động thái thoái vốn nhỏ giọt tại Vinamilk.

Hiện tại, nhìn vào kế hoạch bán vốn của SCIC không thấy có tên VNM. Điều này có thể hiểu rằng thoái vốn VNM bao nhiêu, vào thời điểm nào là do Chính phủ quyết định. Sau khi thoái khoảng 3,4% vốn nhà nước tại VNM tới đây, tỷ lệ mà SCIC nắm giữ vẫn là 36%, đồng nghĩa với quyền của cổ đông nhà nước không có gì thay đổi so với khi nắm giữ 45% như trước kia. Đó có thể là một bài toán đã được tính kỹ.

Bàn về câu chuyện giữ thương hiệu Việt khi Nhà nước thoái vốn, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương nói rằng, khi thoái vốn, cả bên bán và bên mua đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Còn câu chuyện làm gì để tránh việc nhà đầu tư thâu tóm doanh nghiệp hoặc thương hiệu Việt, chính bản thân bộ này cũng đang chờ “cao kiến” từ các bộ ngành khác.

Doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo quy tắc đối vốn, ai sở hữu càng nhiều càng có tiếng nói quyết định. Bởi vậy, việc đặt ra những điều kiện, quy định để buộc nhà đầu tư mua cổ phần phải theo, trái ngược với thị trường có lẽ không phải là thượng sách.

Ông Tayfun Uner dẫn ra ví dụ thương hiệu bia Huda đã được làm mới, có cải tiến mạnh hơn rất nhiều sau khi Carlberg nắm quyền chi phối nhà máy bia Huế để chứng minh rằng, họ không có ý định vứt bỏ các thương hiệu giá trị hàng trăm triệu USD sau khi thâu tóm thành công doanh nghiệp Việt Nam.

Ông còn ví von: “Chẳng ai dại gì mua tivi lại chỉ giữ mỗi cái thùng”. Bí quyết chế biến bia Hà Nội hay đến cả như Coca - Cola không còn là bí mật, do đó, thương hiệu Habeco mới chính là phần giá trị lớn nhất trong giá thành sản phẩm bia bán ra thị trường.

Ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc VCBS Chi nhánh TP. HCM, đơn vị tư vấn cho nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước lớn nhìn nhận rằng, chúng ta cần có tư duy cởi mở về vấn đề này. Khi bán vốn tại doanh nghiệp lớn, giá trị thương hiệu nhất thiết phải được đưa vào định giá doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bỏ giá mua cổ phần, tức là họ đã mua thương hiệu và họ có quyền với thương hiệu đó.

Hơn ai hết, nhà đầu tư sẽ biết rõ việc giữ thương hiệu có lợi hay không. Nếu thương hiệu của doanh nghiệp là tài sản lớn, là yếu tố tác động tới thị phần của doanh nghiệp, rất khó có chuyện nhà đầu tư vứt bỏ đi. Còn nếu thấy rằng, đưa thương hiệu khác vào doanh nghiệp sẽ có lợi hơn cho nhà đầu tư, chúng ta cũng không thể tiếc nuối. Nhà đầu tư là người khôn ngoan và với đồng vốn bỏ ra, họ sẽ hành động phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, cũng có những đề xuất từ giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên xem xét có chính sách ưu tiên bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp trước. Đơn cử, lượng cổ phần được thoái vốn chia làm 2 phần, 30% đấu giá công khai, 70% dành cho nhà đầu tư chiến lược hoặc người lao động trong doanh nghiệp.

Bên được mua ưu tiên phải có văn bản cam kết mua toàn bộ 70% cổ phần với giá trúng thầu bình quân của phiên đấu giá và đặt cọc 10%. Hoặc tới đây, khi phương thức chào bán cổ phần dựng sổ được áp dụng, bên bán có thể gắn việc bán cổ phần với các điều kiện kèm theo, trong đó có chuyện giữ thương hiệu Việt.

Anh Việt
Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: