Từ khi cổ phần hóa Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Habeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), thị trường đã đồn đoán về khả năng đối tác ngoại nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thâu tóm 2 “ông lớn” này.
Đồi tác ngoại nào sẽ "nhảy" vào cuộc chơi Sabeco, Habeco?
Hiện chưa có tổng công ty nào công bố phương án thoái vốn cụ thể, nhưng theo quy định pháp lý, nhà đầu tư nước ngoài dường như chưa có “cửa” mua quá bán cổ phiếu của Sabeco, Habeco.
Thoái vốn Habeco, Sabeco: khối ngoại chỉ được mua tối đa 49%?
Ngày 19/7/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 5035/UBCK-PTTT về việc áp dụng quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài để trả lời Công văn số 5061/BCT-PC ngày 9/6/2017 của Bộ Công thương về việc áp dụng quy định pháp luật chứng khoán về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị Bộ Công thương xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco theo hướng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại 2 đơn vị này là 49% để trình Chính phủ xem xét giải quyết.
Căn cứ pháp lý của việc đề xuất này là Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Nếu Công văn trả lời trên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được chấp thuận ở các cấp cao hơn, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại Sabeco và Habeco là 49% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội để một nhà đầu tư nước ngoài mua nắm cổ phần chi phối (sở hữu từ 51% vốn điều lệ) tại 2 tổng công ty này là không thể trong bối cảnh pháp lý và hiện trạng DN hiện nay.
Vốn hàng chục nghìn tỷ đồng mới có thể mua lớn tại Sabeco, Habeco
Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định muốn trở thành đối tác chiến lược, thậm chí mua thâu tóm Habeco, Sabeco.
Tại Habeco, từ khi cổ phần hóa, Tổng công ty này đã ký hợp đồng đối tác chiến lược với Carlsberg Breweries A/S. Đối tác chiến lược của Habeco (Carlsberg) luôn thể hiện rõ ý định tiếp tục đầu tư vào Habeco, nhưng điểm yếu của đối tác này là mức giá dự kiến mua đang thấp hơn nhiều giá thị trường của Habeco (cổ phiếu BHN của Tổng công ty được đăng ký giao dịch trên UPCoM, hiện có giá 83.000 đồng/cổ phiếu). Tính đến đầu tháng 7/2017, Bộ Công thương đã nhiều lần làm việc với nhà đầu tư này nhằm xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác đã ký trước đó nhưng chưa hoàn tất.
Habeco đã hoàn tất lựa chọn đơn vị tư vấn, đang trong quá trình phê duyệt định giá và có thể tới đây sẽ ra phương án định giá. Vướng mắc lớn nhất tại Habeco chính là câu chuyện với Carlsberg. Tuy nhiên, nếu giới hạn sở hữu vốn đầu tư nước ngoài tại Habeco là 49%, một số dự báo cho rằng, Carlsberg có thể sẽ rẽ sự quan tâm sang hướng khác, khi không thể mua quá bán Habeco.
Tại Sabeco, Tổng công ty cũng đã có đơn vị tư vấn và đang trong quá trình phê duyệt định giá. Việc xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại Sabeco thuận lợi hơn Habeco do không vướng ràng buộc với đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, điểm chung của cả 2 tổng công ty trong việc xây dựng phương án thoái vốn là quy mô vốn lớn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/7/2017, vốn hóa Habeco là hơn 18,7 nghìn tỷ đồng và vốn hóa Sabeco là gần 151 nghìn tỷ đồng. Nếu thoái vốn nhà nước ở mức vốn hóa này, để đảm bảo mục tiêu sở hữu chi phối, nhà đầu tư có thể phải chi gần 10 nghìn tỷ đồng với Habeco và 77 nghìn tỷ đồng với Sabeco.
Hiện tại, cả 2 tổng công ty chưa công bố kế hoạch thoái vốn cụ thể. Dư luận không chỉ quan tâm đến đợt thoái vốn của 2 doanh nghiệp lớn này, mà còn đặc biệt quan tâm đến chủ thể nào có khả năng thâu tóm và chi phối các thương hiệu nổi bật ngành bia Việt Nam? Đầu tư Chứng khoán sẽ theo tiếp thông tin và phản ánh đến bạn đọc khi có diễn biến mới.
Bùi Sưởng
Theo Đầu tư Chứng khoán