Sự hiện diện của máy POS (Point of Sale) hay máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng đã trở nên rất quen thuộc với phần lớn người dân thành thị từ các trung tâm thương mại đến những cửa hàng thời trang hay siêu thị mini.
Không thể chối cãi tính tiện dụng của việc sử dụng máy POS thanh toán cho khách hàng khi không cần phải cầm tiền mặt đi chợ, đi mua sắm, thay vào đó chỉ cần một chiếc thẻ ngân hàng. Nhất là với những chiếc thẻ có thể tiêu trước trả sau như thẻ tín dụng.
Hiện nay có rất nhiều loại máy POS của nhiều ngân hàng khác nhau được phân biệt bằng cố định, di động hay những loại máy POS mini khá linh hoạt của các công ty trung gian thanh toán.
Có thể thấy máy POS là một mắt xích không thể thiếu trong quá trình phát triển mạng lưới thanh toán thẻ, góp phần rất lớn vào xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay. Trong chiến dịch phát triển xu hướng "thanh toán không dùng tiền mặt" việc người dân mở tài khoản và thức hiện thanh toán thẻ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ủng hộ và trở thành một trong những "chế tài" bắt buộc khi sử dụng các dịch vụ cơ bản như thanh toán điện, nước, học phí, viện phí,… tại khu vực đô thị.
Theo thống kê từ NHNN, tính đến hết quí I/2019, các ngân hàng đã phát hành ra khoảng 158 triệu thẻ. Số lượng máy trung gian thanh toán (POS) đạt 261.705 máy. Qua hệ thống máy POS này đã xử lí hơn 55,7 triệu giao dịch với tổng giá trị gần 133 nghìn tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Bài toán của các bên khi sử dụng máy POS
Máy POS hay máy quẹt thẻ trên thị trường Việt Nam hầu hết do các tổ chức tài chính như ngân hàng cung cấp.
Theo tìm hiểu của người viết, máy POS thường được các ngân hàng cấp miễn phí cho một đại lí, cửa hàng hoặc một công ty với đặc điểm là nơi có phát sinh nhiều giao dịch thanh toán. Cái mà ngân hàng thu về từ máy POS là phí thanh toán.
Đối với mỗi một giao dịch quẹt thẻ, ngân hàng sẽ có định mức thu nhất định dao động từ 0,25% đến 2,5% tuỳ từng loại thẻ. Mỗi một ngân hàng sẽ có một chính sách và mức phí khác nhau; tuy nhiên đều chung một xu hướng là các loại thẻ ghi nợ (debit) hay thẻ rút tiền ATM thông thường sẽ có mức phí thấp nhất, thẻ tín dụng (credit) như Visa, Master, JCB thường có mức phí cao nhất.
Đương nhiên, chủ thẻ hay khách hàng là đối tượng được hưởng lợi nhất khi họ thường không phải chịu thêm chi phí gì cho sự tiện lợi này.
Bài toán lợi nhuận lại được đặt ra về phía điểm đặt POS thanh toán, bởi họ là người phải trả phí cho ngân hàng.
Mặc dù số % phí thu có thể nhìn không lớn so với tổng số tiền nhưng nó lại "ăn mòn" trực tiếp vào lợi nhuận của họ, đặc biệt đối với một số loại hình kinh doanh có biên lợi nhuận thấp. Do đó, tại một số điểm thanh toán, vẫn xuất hiện trường hợp khách hàng phải trả phí để được thanh toán thẻ.
Trong khi đó, bài toán đặt ra với ngân hàng là làm sao để có thể thu lợi nhiều nhất khi lắp đặt máy POS cho khách hàng. Chi phí ngân hàng phải bỏ ra để đầu tư một máy POS ước khoảng từ 6 - 10 triệu đồng/máy, chưa kể chi phí nhân viên lắp đặt, kiểm tra định kì. Còn về phần thu về đó là phí được qui định theo hợp đồng kí với đại lí nơi lắp máy, một điểm đáng lưu ý là ngân hàng cũng không phải là người được hưởng 100% từ phí này, một phần trong số đó phải trả cho đối tác Visa, Master.
Tuy nhiên đấy chỉ là phần nổi, ngoài thu từ phí ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ số dư tài khoản khách hàng, đồng thời là thói quen thực hiện thanh toán qua các dịch vụ ngân hàng.
Chính vì vậy, trong điều kiện cạnh tranh khá khốc liệt, nhiều ngân hàng thực hiện chính sách áp dụng mức phí rất thấp cho đại lí thậm chí miễn phí, chấp nhận lỗ khi đầu tư.
Thời đại thanh toán điện tử thay thế các loại thẻ?
Khi thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, mảng ngân hàng số ngày càng được các ngân hàng chú trọng đầu tư phát triển mạnh mẽ và những ứng dụng như ví điện tử, mobile banking cũng được biết đến như một công cụ thanh toán cho nhiều dịch vụ.
Thanh toán điện tử được xem là một xu hướng không thể thiếu của thời đại mới và đang lấn át sang phần của phương thức giao dịch qua ATM, thẻ, máy POS.
Bloomberg trích dẫn kết quả nghiên cứu của một công ty tư vấn tại Mỹ rằng, số lượng máy ATM trên toàn thế giới đã giảm mạnh vào năm 2018 khi các ngân hàng đóng cửa nhiều chi nhánh và chuyển hướng nguồn lực sang thanh toán kĩ thuật số. Có 4 trong số 5 thị trường lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Brazil ghi nhận số lượng máy ATM đã giảm 1%.
Trong khi cách đây chỉ 5 năm, việc sử dụng ví điện tử hay thanh toán bằng QR code còn xa lạ đối với nhiều người, thì trong một năm trở lại đây, những hình thức này đã tràn ngập thị trường với những chiến lược truyền thông mạnh mẽ.
Hiện Việt Nam có khoảng 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch mỗi năm.
Theo Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu 2019 của PwC, Đông Nam Á đang dẫn đầu trong sự thay đổi của khách hàng sang thanh toán qua thiết bị di động.
Trong đó, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về thanh toán qua thiết bị di động nhanh nhất trong quí I/2019. Số lượng người sử dụng phương thức thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam đã tăng từ 37% trong năm 2018 lên 61% năm 2019.
Trao đổi bên lề Toạ đàm về thẻ tín dụng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng "mobile money là xu hướng của tương lai".
Ông Hiển nhận định, mặc dù không thể phủ nhận tính khả dụng của thẻ và máy POS tuy nhiên khi đưa ra so sánh việc thực hiện thanh toán bằng smartphone lại có ưu thế vượt trội là sự tiện dụng.
"Những khách hàng ở nông thôn họ có thể không có thẻ, thẻ tín dụng hoặc thanh toán bằng máy POS nhưng họ có smartphone và như vậy có thể dễ dàng thực hiện thanh toán với nhau. Ở Trung Quốc, ngay cả ăn mày cũng xin tiền bằng ứng dụng smartphone", vị chuyên gia cho hay.
Theo ông Hiển, ứng dụng fintech này là sản phẩm đáp ứng cho số đông khoảng 70% người Việt Nam. Ông cũng chỉ ra một ưu thế không thể chối cãi hiện nay là những ứng dụng như ví điện tử, QR code hiện đang được ưu đãi rất nhiều, thậm chí người dùng không phải trả bất kì khoản phí nào trong khi sử dụng thẻ lại vẫn phải chịu nhiều loại phí.
Kì vọng về sự phát triển của nền công nghệ ngân hàng số, thanh toán điện tử và tiềm năng phát triển là rất lớn. Trong một phát biểu gần đây tại diễn đàn Baking Vietnam 2019, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: "phát triển thanh toán điện tử là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia".
Phó Thống đốc cho rằng thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm và chuyển tương tác giới hạn từ off-line sang online, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.
Thống kê của NHNN cho thấy thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại tăng mạnh trong quí đầu năm vượt xa con số tăng trưởng của giao dịch qua thẻ ngân hàng.
Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kì năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4%. Trong khi đó, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng chỉ tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kì của năm 2017.
Điều này cho thấy, mặc dù có tăng trưởng vượt bậc nhưng thanh toán điện tử vẫn đang tiếp tục là "đôi bạn cùng tiến" với mảng thẻ và máy POS. Thực tế ở thị trường các nước phát triển trên thế giới, thẻ và thanh toán điện tử được sử dụng song hành bởi vì tiềm năng thị trường còn rất lớn.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực và chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. Có khoảng 40% dân số Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, và 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng.
Cùng với đó, dịch vụ thanh toán điện tử là mảng còn non trẻ, đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến khuôn khổ pháp lý, sự an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, giao dịch giữa các nước. Đặc biệt nó có thể là nơi xảy ra các giao dịch bất thường, nơi tội phạm công nghệ cao tận dụng cơ hội, kẽ hở để trục lợi,…. Bởi thực tế hiện nay, khả năng bảo mật thông tin của người Việt còn khá kém, nhiều vụ "tự dưng" mất tiền cũng là một trong minh chứng rõ ràng cho những rủi ro trên.
Song, một điều không thể chối cãi là máy POS vẫn còn cơ hội phát triển trong tương lai gần; còn trong một bối cảnh khi công nghệ hiện đại phát triển, thanh toán điện tử mới là "vua".