Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thống nhất đất nước, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã dành thời gian trò chuyện cùng phóng viên.
Phóng viên: Thượng tướng có thể chia sẻ một số ký ức hào hùng về Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, một mốc son chói lọi, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Nam - Bắc chung một nhà.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi đó tôi với cương vị Tham mưu phó Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bộ đội tiến quân trên hướng đông, đánh chiếm Dinh Độc Lập.
Từ chiều ngày 26/4/1975, bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch và từ 5 hướng, các cánh quân đồng loạt tiến công Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch. Với tinh thần tiến công thần tốc, kiên quyết, dũng mãnh, các quân đoàn chủ lực của ta nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu then chốt, trọng yếu, làm tan rã hàng ngũ địch.
Rạng sáng ngày 29/4, toàn mặt trận chính thức chuyển sang tổng công kích. Sau phát pháo mở màn vào lúc 4 giờ 30 phút, hàng nghìn quả đạn pháo cấp tập nã vào sân bay Tân Sơn Nhất. Sư đoàn 325 tổ chức đánh chiếm thành Tuy Hạ, tiếp đó đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái và phát triển vào nội đô, giải phóng quận 9.
Để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, chúng tôi quyết định sử dụng xe tăng và một phần lực lượng Trung đoàn 101 tiến công trên hướng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn, đánh thẳng vào thành Tuy Hạ; điều pháo 85mm nòng dài bắn trực tiếp, hỗ trợ cho bộ binh đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái.
Tối ngày 29/4, các đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai lực lượng chuẩn bị vượt sông, đánh vào Sài Gòn. Rạng sáng 30/4, khi trận địa pháo tầm xa của Lữ đoàn 164 ở Nhơn Trạch được lệnh ngừng bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, cũng là lúc cuộc vượt sông bắt đầu. Tới 9 giờ ngày 30/4, cuộc vượt sông Đồng Nai bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn 325 kết thúc thắng lợi. Cờ giải phóng tung bay trên sông Đồng Nai và căn cứ hải quân Cát Lái.
Trên đà thắng lợi, ngay sau khi đập vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Cát Lái, Bộ Tư lệnh Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 101 cùng lực lượng xe tăng đi cùng phát triển tiến công, đánh vào quận 9 và khu vực Tân Cảng. Trung đoàn 46 và Trung đoàn 84 ở lại bảo vệ địa bàn, khóa chặt sông Lòng Tàu, không cho địch rút chạy ra biển. Từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 30/4, bộ đội Trung đoàn 101 tiến vào đánh chiếm quận 9, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy và khu vực Tân Cảng, bắt giữ hàng trăm tàu địch trên sông Sài Gòn. Vượt qua cầu Sài Gòn, lực lượng đột kích thọc sâu Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn Bộ binh 66 (Sư đoàn 304), Trung đoàn Bộ binh 18 (dự bị chiến dịch, Sư đoàn 325) và Lữ Tăng 203 rầm rộ tiến vào nội đô.
Được tự vệ thành và người dân dẫn đường, bộ đội xe tăng, cơ giới của ta nhanh chóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
Phóng viên: Sau gần 1/2 thế kỷ, đất nước thống nhất, 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong tất cả các lĩnh vực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao, Thượng tướng có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Thực tế đã chứng minh, sau 46 năm đất nước thống nhất, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại, thiên tai, dịch họa, các thế lực thù địch ra sức chống phá, tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường...; song, với sự nỗ lực - phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu vô cùng quan trọng với những dấu ấn nổi bật.
Đó là, Việt Nam được bạn bè quốc tế ca ngợi là điểm đến an toàn, thân thiện; kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững. Vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu toàn cầu.
Đặc biệt, vừa qua, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng.
Năm 2020, Việt Nam là điểm sáng của thế giới về thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng chống đại dịch Covid-19; vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, là một trong số ít các quốc gia có GDP tăng trưởng dương.
Qua đó, càng khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước vững bước đi lên.
Xin cảm ơn Thượng tướng!
Theo Phi Long
KTĐU