ĐS&TD - Đi theo xu hướng, mẫu mã đa dạng của những mặt hàng thời trang ngoại nhập đang khiến nhiều bạn trẻ Việt thích thú. Việc ưa chuộng hàng ngoại hơn hàng may sẵn trong nước của người tiêu dùng đang là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp may mặc trong nước.
Khu Nguyễn Trãi là địa điểm mua sắm thời trang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng và lui tới
Hàng ngoại dễ bán
Dạo một vòng quanh các cung đường được cho là nhộn nhịp nhất TP.HCM về mua sắm thời trang như: Nguyễn Trãi (quận 5), Lê Văn Sỹ (quận 3), Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận)…, sẽ dễ dàng bắt gặp được hình ảnh mua sắm nhộn nhịp các mặt hàng thời trang trẻ. Đặc biệt, tầm 6 giờ chiều trở đi, những địa điểm mua sắm này càng trở nên náo nhiệt hơn với lượng khách ghé thăm tăng đến chóng mặt so với buổi sáng.
Cũng tại những cửa hàng mua sắm trên những con đường này, mặt hàng thời trang phong phú và đa dạng, thế nhưng, một nghịch lý là đa phần những sản phẩm ở đây đều là hàng ngoại nhập và những người bán hàng đều tỏ ra rất tự tin khi khẳng định sản phẩm của mình bán ra đều được nhập về từ nước ngoài. Một nhân viên cửa hàng X70 (Nguyễn Trãi) hớn hở chào hàng: “Ở đây toàn quần áo được nhập từ Thái, giá mềm lắm, nếu mua nhiều còn được giảm giá nữa em à”.
Khi được hỏi tại sao shop chỉ chuyên bán hàng nhập thì nhân viên cửa hàng này giải thích: “Hàng trong nước khó bán lắm, giá cả cũng không rẻ, với lại các bạn trẻ bây giờ thường có xu hướng thích hàng ngoại hơn”. Bên cạnh đó, những cửa hàng khác cũng chào mời khách hàng đến mua là hàng HongKong, Hàn Quốc… và kèm theo những lời khẳng định chắc nịch về chất lượng, hợp thời trang của sản phẩm.
Cũng chính vì đặc điểm hàng rẻ, đẹp và bắt kịp xu hướng nên hầu hết các bạn trẻ đều có cùng sự lựa chọn và tìm mua. Bạn Ngọc Minh (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Thường thì những sản phẩm thời trang được nhập bắt kịp xu hướng thời trang thế giới lắm, giá cũng rẻ nữa. Em với tụi bạn cũng thường ghé mấy shop để tìm mua mà khi hỏi tới thì được biết những mặt hàng thời trang này không được sản xuất tại Việt Nam mà phải sang các nước láng giềng để nhập hàng về”. Bạn Mỹ Hương (nhân viên văn phòng tại quận 1) chia sẻ: “Với giá tiền bình dân thì việc lựa chọn quần áo có giá dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/sản phẩm như những shop thời trang bán hiện nay theo tôi là khá hợp lý, mặc dù đa phần đều không phải là sản phẩm được làm trong nước. Chứ bình thường những thương hiệu thời trang có tiếng trong nước thì giá khá cao, cả triệu đồng/sản phẩm nên ít được ưa chuộng. Cũng là dân làm công ăn lương, việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền luôn là sự lựa chọn hàng đầu”.
Hàng ngoại rẻ, đẹp… nhưng cẩn thận chất lượng
Xu hướng thời trang của nhiều bạn trẻ Việt dần chịu ảnh hưởng bởi các nước trên thế giới, cũng chính vì thế, những loại hàng ngoại nhập luôn được tìm kiếm và săn lùng. Thế nhưng, nguồn gốc của sản phẩm lại không rõ ràng và người mua chỉ có thể tin vào lời của người bán vì không thể chắc đó là hàng nhập ra sao(?).
Chưa kể, tất cả các sản phẩm được bày bán trong các shop đều đã được thay đổi mác và được bán như sản phẩm độc quyền của shop. Một khi nhãn mác không có thì các cửa hàng có thể “vô tư” gắn mác cho sản phẩm để bày bán, mặc kệ đó có phải là hàng nhập từ nước này hay nước kia hay không. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thông tin quần áo Trung Quốc nhiễm chất amine dễ gây ung thư, kích ứng da đã được phát hiện tại Hà Nội khiến nhiều người lo lắng. Vì vậy, việc chọn lựa và sử dụng quần áo không rõ nguồn gốc và “gắn mác” ngoại nhập rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, quần áo nhái cũng được bày bán tràn lan tại các shop một cách không thể kiểm soát đang là mối “nguy” lớn cho các doanh nghiệp may mặc khi sản phẩm bị nhái một cách ngang nhiên. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến các thương hiệu có tiếng và làm “xáo trộn” thị trường. Do đó, việc mua và sử dụng các mặt hàng thời trang không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp may mặc nội.
Quần áo nhái thương hiệu được gia công thường không đảm bảo được chất lượng, đường may thô và độ bền không cao nên có thể sẽ khiến người mặc “rước họa” và gặp những tình huống khó xử. Do đó, việc buôn ban quần áo nhái, không rõ nguồn gốc cần được rà soát và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để quản lý vấn đề hàng hóa may mặc trên thị trường một cách sát sao.
Kim Dung