Ngày 21.1, một ngày sau khi Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định quản lý thức ăn đường phố có hiệu lực, các cửa hàng bán đồ ăn vỉa hè, hàng rong vẫn hoạt động bình thường.
Ngày 21.1, một ngày sau khi Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định quản lý thức ăn đường phố có hiệu lực, các cửa hàng bán đồ ăn vỉa hè, hàng rong vẫn hoạt động bình thường.
Nhiều người dân cho rằng, Bộ Y tế đang quản lý cái vô hình...
Những phố lớn, đông đúc như Nguyễn Trường Tộ, Quán Thánh (Hà Nội), các quán ăn như hàng xôi, hàng bún chả, bánh đa cá đều tấp nập người ăn. Còn các gánh hàng rong cũng hoạt động bình thường. Khi được hỏi về Thông tư 30, nhiều người ngơ ngác không biết.
Bà Ngô Thị Tin, 43 tuổi (trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) đang quẩy gánh cháo bán trên phố An Dương (Hà Nội) cũng “như vịt nghe sấm” khi nghe nội dung Thông tư 30. Bà Tin cho biết thường chỉ bị công an khu vực đuổi, không cho phép bán hàng rong. Gánh cháo cũng do bà tự nấu nướng, chế biến. Nếu muốn hỏi nguồn gốc, xuất xứ bà đùa: "Chắc tôi phải tự đi in nhãn thôi".
Các quy định trong Thông tư 30 rất khó áp dụng đối với các cửa hàng ăn ở phố.
Tại TP.Hồ Chí Minh, theo ghi nhận chung, dù Thông tư 30 đã có hiệu lực nhưng hầu hết những người kinh doanh thức ăn đường phố vẫn thờ ơ và dường như xem như không có thông tư này. Khi được hỏi, một số người buôn bán ở vỉa hè tại đây cho biết họ không biết những quy định của Thông tư 30 và nó ảnh hưởng như thế nào với hoạt động của họ. Nhiều bà con buôn bán vẫn chưa biết cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải được tập huấn và cấp giấy xác nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)...
Điều khiến nhiều chị em bán hàng rong, bán hàng vỉa hè rất ngạc nhiên là Thông tư 30 quy định về an toàn thực phẩm cho họ nhưng bản thân họ chưa bao giờ được phép kinh doanh trên hè phố. "Xưa nay chúng tôi vẫn bán chui bán lủi, suốt ngày lo bị tịch thu. Nếu họ có thông tư để quy định vệ sinh cho chúng tôi thì trước hết phải cho phép chúng tôi bán hàng rong trước đã chứ" - bà Tin cho biết.
Ông Nguyễn Quang Anh, 34 tuổi, bán bánh rán, bánh gối ở Thụy Khuê (Hà Nội) là người hiếm hoi đã đọc về Thông tư 30 của Bộ Y tế. Nhưng ông cũng chưa được ai yêu cầu đi tập huấn về an toàn thực phẩm. "Tôi thấy đây là 1 quy định hết sức chồng chéo và không đúng với thực tế. Nếu tôi kinh doanh sử dụng tủ kính, bàn ghế thì sẽ ngay lập tức bị lực lượng chức năng tịch thu và xử phạt vì kinh doanh trên hè phố. Nhưng nếu tôi không dùng thì lại bị cơ quan chức năng an toàn thực phẩm phạt".
|
Theo Cục An toàn thực phẩm, cả nước ước tính có khoảng 400.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Thực tế còn có hàng trăm ngàn các gánh hàng rong không có "điểm" đang tồn tại trên các tuyến phố, kinh doanh tự phát, thực phẩm bán cũng thay đổi theo mùa, nhiều thực phẩm tự chế biến, vì thế, rất khó tập hợp họ để "tập huấn".
|
|
Trao đổi với NTNN, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, ngày 20.1 chỉ là thời hạn triển khai Thông tư 30. Sẽ cần một lộ trình dài để hướng dẫn, tuyên truyền cho những người kinh doanh thức ăn đường phố về ý thức và kiến thức ATTP.
Còn GS-TS Trịnh Quân Huấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế thì cho rằng: "Triển khai tuy khó nhưng cần phải đưa những người kinh doanh thức ăn đường phố vào diện quản lý về ATTP vì đây là nguồn lây nhiễm bệnh tật rất lớn. Mục tiêu lớn nhất của thông tư là đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, theo ông Huấn, cũng cần có thời gian tuyên truyền để mọi người chuyển đổi hành vi trước khi xử phạt. Và quan trọng hơn cả là phải lắng nghe ý kiến người dân xem làm thế nào để có thể thực hiện được, cũng như tạo điều kiện (về vốn, điểm bán hàng) cho họ thực hiện các quy định đó".
Nguyễn Dũng - Tuấn Kiệt
theo Dân Việt