Ông Đào Văn Mạnh (Báo Đáp - Trấn Yên - Yên Bái) làm nghề phục dựng và thiết kế nhà cổ cho biết, trước đây những căn nhà cổ có niên đại lâu năm, hoa văn độc, lạ như nhà sàn của các tù trưởng, già làng dân tộc thiểu số, nhà của vua quan với ngói cổ, rường, cột bằng gỗ lim đen bóng... được ưa chuộng hơn cả.
Tuy nhiên, vài năm nay thú chơi này có phần chững lại thay vào đó những căn nhà giả cổ được săn lùng và trở thành “mốt” của người giàu.Thú chơi nhà giả cổ chỉ nở rộ trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây. Giá cả tùy thuộc vào chất liệu gỗ, hoa văn và kiến trúc của căn nhà, tuy nhiên để có một căn nhà giả cổ hoàn chỉnh gia chủ phải chi không dưới tiền tỷ.
Một căn nhà gỗ cũ được dựng lại thành nhà giả cổ cho chủ mới (ảnh: Tuổi Trẻ)
Thú chơi bạc tỷ
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Mạnh ước tính đã thiết kế và dựng được khoảng 300 căn nhà giả cổ, dải dọc khắp Bắc vào Nam. Trong giới chơi nhà giả cổ thường chia ra làm ba loại: nhà kẻ truyền Bắc bộ, nhà rường Huế, nhà cổ Nam bộ. Mỗi loại nhà lại tượng trưng cho một kiến trúc và văn hóa riêng. Thông thường ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên... nhà giả cổ theo lối Bắc bộ được chuộng hơn cả. Bởi các loại nhà này giá cả phải chăng lại hợp với văn hóa và sinh hoạt truyền thống của người Bắc.
Dân làm nhà giả cổ sau khi nhận đơn đặt hàng sẽ liên hệ với các đầu mối gỗ ở khắp các tỉnh thành. Trước đây để làm được một căn nhà giả cổ, thường phải mất đến 4 - 5 năm nhưng hiện nay nguồn gỗ được chủ động cộng với sự hỗ trợ của máy móc nên chỉ cần từ 8 tháng đến 1 năm là có thể hoàn thiện. Muốn có một căn nhà ưng ý người “chơi” phải đặt trước sáu tháng có khi cả năm.
Nguyễn Minh Quang (41 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) tuy mới có 3 năm trong nghề dựng nhà giả cổ nhưng tỏ ra khá sành sỏi: “Nhà giả cổ có thể làm bất cứ giá nào bởi nó phụ thuộc vào chất lượng gỗ. Nếu căn nhà thuộc loại gỗ tứ thiết (Đinh, Lim, Sến, Táu) thì giá cả đắt hơn còn nếu làm bằng gỗ xoan hay các loại gỗ rừng trồng thì rẻ hơn rất nhiều.
Ông Đào Văn Mạnh và một “sản phẩm” nhà giả cổ đang được ông hoàn thiện
Hiện tại anh Quang đang nhận xây dựng nhà giả cổ theo lối nhà rường Huế cho một đại gia ở Đông Anh, Quang nhẩm tính phải mất 3 năm với gần 50 thợ làm liên tục mới có thể hoàn thiện. Căn nhà được xây dựng trên diện tích 300m2, đầy đủ cảnh điền viên, ang nước, cổng vào với họa tiết kiến trúc mà theo Quang giới thiệu thì không khác gì thủ phủ của các vua quan ngày xưa.
Đẳng cấp người chơi
Ông M.B (Vĩnh Phúc) vừa hoàn thiện xong một căn nhà giả cổ theo lối kẻ truyền Bắc Bộ, gồm 36 cột gỗ với giá trên 3 tỷ. Tuy nhiên, ông khẳng định nhà mình thuộc loại “chưa có điều kiện” vì đã chơi nhà giả cổ là phải có cảnh điền viên non nước, đồ đạc trong nhà cũng phải sắm đủ bộ từ câu đối, bình phong, sập gụ, hương án, tủ chè...
Nhiều người “chịu chơi” còn bỏ hàng chục năm để “săn” gỗ, kiếm thợ tài. Anh G. - một đại gia ở Đông Anh cho biết, căn nhà ngày xưa của gia đình là nhà cổ 5 gian Bắc bộ, tuy nhiên do bị đốt phá trong chiến tranh nên khi có điều kiện anh luôn ấp ủ phục dựng lại: “Năm 1987 tôi đã lên kế hoạch xây dựng một căn nhà giả cổ cho riêng mình nhưng phải mất 9 năm gom gỗ, kén thợ năm 2001 ngôi nhà mới bắt đầu được tiến hành...”
Toàn bộ căn nhà của anh G đều được làm bằng gỗ lim, đen bóng và có tuổi thọ hàng trăm năm. Kỳ công đến nỗi, thợ đục ngang anh kén ở Hà Tây còn thợ đục chạm anh lại chọn ở tận Hà Nam. Mái ngói cũng phải là loại ngói Giếng Đáy nung rơm cực hiếm. Ngay cả bàn ghế sử dụng trong căn nhà cũng được thiết kế theo lối cổ và bằng các loại gỗ quý.
Ngôi nhà cổ diêm 8 mái bằng gỗ lim của G ở Đông Anh
Chính vì thế, anh G tự hào: “Cả huyện Đông Anh kiếm được một ngôi nhà cổ diêm 8 mái và có gỗ quý như gia đình tôi là rất hiếm và nếu không lầm thì chỉ có duy nhất một chiếc...”.
Không có điều kiện như anh G., anh Mậu Trứ (Đông Anh) chọn gỗ xoan và gỗ mít để thiết kế cho căn nhà của mình. Tuy nhiên, anh Trứ cũng phải mất ăn, mất ngủ và lăn lộn nhiều nơi mới có được những cây cột ưng ý. Anh Trứ kể: “Tôi đã một mình phi xe máy tận Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, vác thang trèo lên cây để tìm được những cây gỗ xoan vừa ý.
Sau đó thuê thợ kéo về, ngâm bùn 2 năm và mất tới 8 tháng để phơi nắng, mưa.” Anh Trứ cũng bỏ hàng năm trời để nghiền ngẫm sách báo về nhà cổ, thậm chí không ngần ngại vác máy ảnh đi khắp nơi lùng sục các kiểu hoa văn độc đáo cho cánh thợ làm. Vì Thế, tuy không tự hào về chất gỗ nhưng anh Trứ khẳng định, hoa văn và thiết kế căn nhà mình cũng thuộc hàng độc, có một không hai.
KTS Nguyễn Giang giám đốc một công ty gỗ cho rằng: “Không phải ai cũng có thể “chơi” nhà giả cổ. Nó đòi hỏi người chủ phải có một tầm văn hóa nhất định để hiểu về lề lối, kiến trúc. Sở dĩ nhà giả cổ được nhiều người yêu thích vì nó gần gũi với cuộc sống và sinh hoạt của người Việt. Hơn nữa xét về mặt bền vững và kinh tế thì cũng ưu việt hơn nhà Tây. Thực tế, nhà gỗ càng ở càng có giá trong khi nhà Tây chỉ một vài năm là lỗi mốt”.