Sự kiện hot
13 năm trước

Thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo: Khó hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Điểm khác so với các lần trước, phương án tạm trữ lần này là sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, thay vì qua thẳng tay doanh nghiệp như trước đây.

Điểm khác so với các lần trước, phương án tạm trữ lần này là sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, thay vì qua thẳng tay doanh nghiệp như trước đây.

Trước tình hình giá lúa gạo liên tục giảm sút trong vụ hè thu này, ngày 2.7 Chính phủ đã có quyết định thu mua tạm trữ 500.000 tấn gạo. Điểm khác so với các lần trước, phương án tạm trữ lần này là sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, thay vì qua thẳng tay doanh nghiệp như trước đây.

Phương án này sẽ được thực hiện ra sao, NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). Ông Ngọc cho biết: Qua tổng hợp, từ giá thành sản xuất lúa hè thu của các địa phương cho thấy, giá thành sản xuất thấp nhất là 3.550 đồng/kg, cao nhất 4.300-4.500 đồng/kg.


Việc hỗ trợ thu mua tạm trữ sẽ đảm bảo người nông dân có lãi 30%.

Như vậy, bình quân sẽ vào khoảng 3.900-4.000 đồng/kg. Theo tính toán của chúng tôi, để nông dân có lãi khoảng 30%, thì giá thu mua sẽ vào khoảng 5.200 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán trên thị trường đang rất thấp. Vì thế việc thu mua tạm trữ rất cần thiết, để nâng giá bán bình quân lên, nhất là thời kỳ thu hoạch rộ, tầm giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 tới.

Ông có thể cho biết, hình thức thu mua thế nào để đảm bảo mức lãi 30% cho nông dân?

- Hiện nay, hình thức tốt nhất làm sao mức hỗ trợ đó đến tay người nông dân mới có ý nghĩa. Nhưng vấn đề ở chỗ, nông dân tạm trữ ở đâu, vì không có kho. Vì thế, họ phải bán tươi ngay tại ruộng, vừa có tiền để trả tiền ứng vốn của các đại lý, ngân hàng. Mặt khác, nhiều người không có ruộng, một bộ phận nông dân phải đi làm thuê, ông chủ ruộng thì cũng là người thành phố.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ tối đa 500.000 tấn quy gạo vụ hè thu năm 2012, thời hạn mua tạm trữ từ ngày 10.7 đến hết ngày 10.8.2012. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ...

Do đó, hiện phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân là không khả thi. Tuy nhiên, nếu muốn hỗ trợ nông dân phải thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tức là để hộ nông dân gửi thóc trong kho của doanh nghiệp thu mua từ cánh đồng mẫu lớn, giá lúc nào cao thì họ bán. Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân qua lượng hàng mà họ gửi kho, vừa bảo quản được lúa gạo, vừa có kho để chứa và ngân hàng cũng có cơ sở để thanh toán phần hỗ trợ cho nông dân.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho dân, nhưng ở những vùng cánh đồng mẫu lớn, có kho tạm trữ của doanh nghiệp. Về lâu dài, chắc chắn chúng ta phải đi theo hướng này để người nông dân được hưởng.

Nhưng với chính sách tạm trữ như vậy, chủ yếu là doanh nghiệp vẫn đang được hưởng lợi?

- Đúng là chính sách tạm trữ vừa qua vẫn chủ yếu hỗ trợ qua doanh nghiệp. Nhưng có điều, tại sao doanh nghiệp được hưởng lợi, mà chúng ta vẫn làm là vì, họ nâng giá lúa lên được cho nông dân vào thời điểm dân cần bán thóc gạo. Đó cũng chính là mục tiêu của tạm trữ. Tuy nhiên, không phải nông dân không có lợi, mà họ chưa được hưởng lợi nhiều theo đúng mong muốn của chúng ta. Bây giờ, nếu chuyển hỗ trợ trực tiếp cho nông dân ngay, thì chưa có cơ sở để tính toán, nên điều này cần có thời gian xem xét.

Hiện nay, quá trình thu mua phải qua thương lái, liệu việc tạm trữ có đến tay nông dân đảm bảo lãi 30%, thưa ông?

- Đây là câu chuyện thực tế, doanh nghiệp không thể mua trực tiếp của người dân, vì không có hệ thống. Mà thực tế, ở đồng bằng sông Cửu Long phải qua một hệ thống thương lái. Vấn đề này cần được giải quyết bằng việc có giá sàn để tránh việc thương lái ép giá. Lâu nay, giá sàn ở mình chưa ấn định được do còn một số vướng mắc. Về lâu dài, tôi cho rằng có thể khắc phục bằng cánh đồng mẫu lớn, ở đó doanh nghiệp sẽ có xe tới tận ruộng để thu mua, sấy và đưa về kho của họ, giảm bớt khâu trung gian là thương lái.

“Hiện giá lúa ở ĐBSCL đang thấp nhưng chưa có chính sách trợ cấp tốt hơn nên vẫn cần phải sử dụng chính sách tạm trữ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không nên tạm trữ nhiều vì chính sách này thực tế chỉ mang yếu tố tác động tâm lý nhiều hơn là tác động về kinh tế”.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT)

Phi Long (ghi)

Để người nông dân có lãi, giá lúa bình quân phải đạt 5.200 đồng trở lên. Ông có thể cho biết, chi phí thuê đất có tính vào giá thành thu mua sản phẩm?

- Đây cũng là một vấn đề thực tế, nhưng trong tính toán vừa rồi, cũng chưa đưa hết được tất cả, những yếu tố đầu vào, trong đó có phần thuê đất. Việc tính toán chủ yếu ở các khâu sản xuất cơ bản, phản ánh cơ bản giá đầu vào của lúa hè thu. Hiện giá lúa bình quân của vụ hè thu có cao hơn vụ đông xuân, do thu hoạch vào mùa mưa, nên phải tốn tiền sấy, mỗi kg thóc sấy từ 150-250 đồng/kg khô.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân
theo Dân Việt

Từ khóa: