Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Thông tin từ Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là ở các nước và nền kinh tế có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như: Mỹ, EU..., ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, thu nội địa đạt 38% dự toán, giảm 5,9%; thu về dầu thô đạt 56,4% dự toán, giảm 17,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 36,7% dự toán, giảm 23,4% so cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, có 6/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 41%), nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ hoặc tiền sử dụng đất (đạt 54,7% dự toán).
Xét theo sắc thuế, số thu ngân sách từ đầu năm đến nay vẫn đang có xu hướng giảm dần. Thuế giá trị gia tăng nộp ngân sách quý IV/2019 bình quân tăng 8% so với cùng kỳ, nhưng 3 tháng đầu năm 2020 tăng 3,2%, đến tháng 4 giảm 31,9%, tháng 5 ước giảm 48,6%. Thuế tiêu thụ đặc biệt quý IV/2019 tăng 9,5%, nhưng 3 tháng đầu năm giảm 2,1%, đến tháng 4 giảm 18,3%, tháng 5 ước giảm 38%. Thu thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ tháng 4/2020; trong đó tháng 4 giảm 45,3%, tháng 5 ước giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2019…
Ngoài nguyên nhân do tác động của dịch COVID-19, số thu ngân sách Nhà nước 5 tháng còn bị ảnh hưởng một phần do điều chỉnh chính sách thu theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 5/2020, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đã được gia hạn khoảng 37 nghìn tỷ đồng.
Việc chi ngân sách Nhà nước 5 tháng ước đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán. Trong số đó, chi đầu tư phát triển đạt 26% dự toán, tuy khá hơn về tiến độ so với năm 2019, song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu (tính cả số kế hoạch năm 2019 chuyển sang, số giải ngân 5 tháng chỉ đạt xấp xỉ 19% dự toán); chi trả nợ lãi đạt 41,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 40,6% dự toán.
Dù vậy vẫn đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán được giao và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Ngân sách Nhà nước đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19.
Trong 5 tháng đầu năm, ngân sách Trung ương đã trích dự phòng bổ sung 2,8 nghìn tỷ đồng cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 169,6 tỷ đồng tạm cấp cho 7 địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến ngày 25/5/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 58,82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội.
Huy Đức
Theo KTDU