Sự kiện hot
8 năm trước

'Thủ phủ' nuôi lợn điêu đứng vì thương lái Trung Quốc ngừng mua

Giá lợn lao dốc, người chăn nuôi điêu đứng. Nhiều nông dân nơi đây đã bỏ chuồng hoặc chuyển sang vật nuôi khác.

Điêu đứng vì giá lợn chạm đáy

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam được coi là thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, nhờ chăn nuôi mà đời sống của người dân ngày càng thay đổi. Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay thị trường xuất sang Trung Quốc khó khăn, khiến giá lợn xuống thấp kỷ lục.

Gia đình Bà Trần Thị Hòa (xóm Tân Trung, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục) là một trong những hộ nuôi nhiều lợn nhất của thôn, để chăn nuôi gia đình đã phải mua lợn giống từ 42-45kg với mức giá từ 75-78 nghìn đồng/kg.

Đến nay, sau tầm 5 tháng nuôi ,với mức giá lợn hơi chỉ 27.000 - 28.000 đồng/kg như hiện tại cứ mỗi đợt xuất bán bà lỗ từ 2 đến 3 triệu đồng một con. Đợt xuất bán gần nhất gia đình đã lỗ gần 400 triệu đồng. Hiện tại số lợn còn lại bà Hòa chỉ dám cho ăn cầm chừng để giảm lỗ.


Người nuôi heo đang "méo mặt" vì giá heo giảm mạnh. (Ảnh Quang Huy)

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, trang trại lợn của anh Trần Văn Thanh (xã Ngọc Lũ, Bình Lục) với khoảng 370 con lợn thịt, 30 con nái.

“Từ đầu năm đến nay, giá lợn chỉ dạo động từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, một con lợn bán chưa nổi hai triệu đồng. Tính ra mỗi con lỗ hơn hai triệu đồng, đó là chưa kể dịch bệnh lợn bị chết. Cứ thế này gia đình tôi chỉ còn cách phá sản.", anh Thanh nói.

Lợn rớt giá còn ảnh hưởng đến các đại lý thức ăn chăn nuôi. Ở xã Ngọc Lũ, các đại lý thường cho các hộ nuôi mua nợ, đến khi xuất chuồng sẽ thanh toán. Nhưng tình trạng giá lợn hơi giảm như hiện nay khiến cho các chủ đại lý cũng như “ngồi trên lửa”.

“Nếu giá lợn tăng, bà con bán có lãi thì may ra mình đòi được nợ, nếu họ tiếp tục thua lỗ thì số nợ của mình sẽ chồng thêm cao. Hầu hết các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn xã đều đang lâm vào tình cảnh như gia đình tôi”, ông Lê Huy Dưỡng – chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục cho biết

Theo ông Trần Đình Thiện, chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 2.000 hộ dân thì có tới 1.500 hộ chăn nuôi lợn.

Có thời điểm số lợn ở đây lên tới 80.000 con và được coi là thủ phủ nuôi lợn lớn nhất Miền bắc. Đã từ lâu thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu bằng công việc chăn nuôi này.

“Hiện nay số người nuôi lợn trên địa bàn xã đã giảm một nửa, nhiều hộ chăn nuôi, chuồng trại đã bỏ không. Nỗi lo nhất của người chăn nuôi, cũng như các đại lý cám của địa phương là sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng”, ông Thiện cho biết thêm

Hệ lụy từ việc chăn nuôi ồ ạt

Theo Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chi cục chăn nuôi và Thú y - Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, thị trường Trung Quốc vốn “khi đóng, khi mở” nên từ lâu địa phương đã có cảnh báo cho người dân.

Tuy nhiên, lúc Trung Quốc ồ ạt thu mua, giá tăng, bà con đổ xô nuôi. Thời điểm ra Tết Nguyên Đán, khi Trung Quốc hạn chế nhập nên dẫn đến giá rớt thảm hại.

Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2016, thị trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng.

Vào thời điểm tháng 5/2016, giá heo đạt đỉnh ở mức 55.000 đồng, tăng khoảng 15.000 đồng so với trước đó ba tháng. Thêm nữa, thị trường Trung Quốc rất chuộng loại heo có trọng lượng hơn 100kg, nhiều mỡ.

Cho nên, vào thời điểm đó, lái buôn Trung Quốc nhập ồ ạt heo Việt Nam với giá cao ngất, khiến người chăn nuôi của tỉnh Hà Nam nói chung và các hộ dân Ngọc Lũ nói riêng ồ ạt tăng đàn.

Nhưng chính việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc. Dẫn đến, khi thị trường Trung Quốc ổn định thì họ hạn chế nhập, lợn dư nhiều. Trong khi đó, thị trường nội địa lại không chuộng loại lợn có trọng lượng lớn, nhiều mỡ dẫn đến giá thịt lợn hơi cũng giảm đồng loạt.

“Để đảm bảo cho người chăn nuôi có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại như thời gian vừa qua. Vấn đề tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào cho đến các khâu phân phối, tiêu thụ được xem là giải pháp căn cơ được đặt ra cấp thiết.

Trong thời gian tới ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ tăng cường công tác dự báo, dự đoán thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các địa phương có những chỉ đạo sản xuất phù hợp.” ông Hà cho biết thêm.

Quang Huy
Theo VNM - PL.XH

Từ khóa: