ĐBQH cho rằng, trong một tổ chức, cơ quan mà người đứng đầu không hút thuốc lá thì chắc chắn ở tại cơ quan, đơn vị đó dễ dàng tránh được tình trạng hút thuốc lá””…
ĐBQH cho rằng, trong một tổ chức, cơ quan mà người đứng đầu không hút thuốc lá thì chắc chắn ở tại cơ quan, đơn vị đó dễ dàng tránh được tình trạng hút thuốc lá””…
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
ĐBQH cũng đề nghị tăng mức phạt trong trường hợp nhập trái phép thuốc lá, có thể không những xử lý vi phạm hành chính mà còn xử lý hình sự phải nặng hơn hiện nay (Ảnh: Internet).
Về quy định cấm hút thuốc nơi công cộng và ở những khu vực không nên hút nêu trong dự luật, ĐB Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) cho rằng, các văn bản quy định về cấm hút thuốc lá vừa rồi đã có, văn bản của Thủ tướng cũng có, các đơn vị đều có.
Vì vậy, luật này ban hành thì tính pháp lý phải cao, phần nào cho phép hút thuốc lá thì trong khuôn khổ, phần nào cấm là tuyệt đối phải cấm.
“Như cơ quan tôi nếu phát hiện đồng chí nào hút, cơ quan nào hút thì không có nói gì đến khen thưởng gì nữa. Dứt khoát là phải như thế vì anh đã vi phạm” – ĐB Thạch nói.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nhấn mạnh thêm, để Luật này thực hiện có hiệu quả và đi vào cuộc sống thực sự thì phụ thuộc nhiều vào nghĩa vụ và trách nhiệm của những người đứng đầu.
“Trong một tổ chức, cơ quan mà người đứng đầu không hút thuốc lá thì chắc chắn ở tại cơ quan, đơn vị đó dễ dàng tránh được tình trạng hút thuốc lá” - ĐB Hoàng nhận định.
Đồng tình, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) băn khoăn: “Thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc họp mà hút thuốc thì ai phạt thủ trưởng? chắc chắn là không có ai phạt được thủ trưởng, phải không? Chúng tôi nghĩ rằng chắc chắn rằng rất nhiều nơi đang diễn ra thực trạng này. Nếu không ngăn chặn được thì chúng ta thấy luật không có tác dụng. Các thủ trưởng mà vẫn hút thuốc, vẫn không gương mẫu thì tôi nghĩ là khó!”
Theo ĐB Nam thì ở nội dung này cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ở một nội dung khác, ĐB Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) đồng tình với nhiều ĐB khác về việc “chỗ nào cấm hút thuốc là cấm chứ không dây dưa", bởi dự luật quy định cấm hút thuốc khi xung quanh có người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... - nhưng "thực ra người vợ không thể chạy ra cơ quan nhà nước báo cáo với cơ quan là chồng tôi hút thuốc làm ảnh hưởng đến tôi!”.
Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) lại băn khoăn về quy định nghĩa vụ của người hút thuốc lá, dự luật quy định “không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi" nhưng ĐB Bình đề nghị không hút thuốc lá trong nhà khi có người không hút thuốc lá xung quanh mình, bởi "nếu phụ nữ mà không có thai thì sao?"
Vì vậy, “không hút thuốc lá trong nhà khi có người không hút thuốc lá để không gây ảnh hưởng cho mọi người khác” – ĐB Bình đề xuất.
Làm rõ thêm ý này, ĐB Bình cho rằng, nghĩa vụ của người hút thuốc lá là không hút thuốc lá tại địa điểm có nhiều người xung quanh gây ảnh hưởng đến người khác. Thí dụ có nơi không cấm, nhưng mà xung quanh có phụ nữ, có trẻ em, có những người khác thì cũng phải có trách nhiệm không hút thuốc lá.
ĐB này đưa ví dụ về những thông tin nói về một người mẹ bị ung thư, hỏi tại sao nói là “do chồng tôi hút thuốc lá, con tôi hút thuốc lá”, rồi em bé bị viêm phổi, hỏi tại sao thì nói là “vì cha hút thuốc lá” – “đưa những thông tin mình thấy rất đau lòng” - ĐB Bình bày tỏ. Theo đó, dự luật cũng cần nghiên cứu đến nghĩa vụ của người hút thuốc lá.
Tại nghị trường, góp ý về quy định nhãn mác in cảnh báo sức khỏe trên bao bì, nhiều ĐB thống nhất quy định là in cảnh báo 50% trên bao bì và ghi bằng hình ảnh “thì họ (người hút thuốc lá) thấy mới ngán, mới sợ chứ ghi bằng chữ thì chưa ăn thua!”.
Đa số ĐB bày tỏ mong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá sớm được ban hành và đi vào thực tế cuộc sống cùng với Nghị định và Thông tư hướng dẫn.
Kiều Minh
theo VTC News