Sự kiện hot
12 năm trước

Thủ tục hành chính đang “ngáng đường” doanh nghiệp

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu do 3 hiệp hội: thủy sản, dệt may, da giày phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 20.7, tại TP.HCM.

Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu do 3 hiệp hội: thủy sản, dệt may, da giày phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 20.7, tại TP.HCM.

Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính
- Ảnh: Trung Hiếu

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dù Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được áp dụng, nhưng đến nay tình hình thực hiện TTHC vẫn phức tạp. Những phiền phức về TTHC càng làm tăng thêm rắc rối cho DN trong giai đoạn kinh tế khó khăn như thế này.

 

Theo Luật Công đoàn, đầu năm tới, DN phải trích 2% quỹ lương đóng cho công đoàn để làm kinh phí hoạt động. Vấn đề này Quốc hội đã thông qua nên tôi không nói nhiều nữa. Tôi chỉ băn khoăn tại sao phải trích tới 75% quỹ công đoàn đóng cho Tổng Liên đoàn lao động? Lẽ ra phần lớn số tiền của quỹ này phải để ở công đoàn cơ sở bởi đây chính là nơi trực tiếp chăm lo đời sống của công nhân. 

Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An

“Khái niệm hải quan điện tử nghe có vẻ hiện đại, gọn nhẹ, tiết giảm chi phí nhưng nhiều trường hợp DN khi có việc cũng phải in giấy tờ vì khi đến trình thì máy tính của hải quan vẫn chưa bật”, bà Dung nói.

Ông Phạm Thanh Hoan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết, theo quy định, DN nhập khẩu nguyên liệu dành cho gia công xuất khẩu sẽ được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày.

“Tuy nhiên để được ân hạn thuế, DN phải trải qua thủ tục nhiêu khê, phức tạp. DN phải mất nhiều thời gian và chi phí, cần có tài sản thế chấp, phải qua nhiều lần công chứng…”, ông Hoan dẫn giải.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam khẳng định mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với DN không phải là xin - cho, mà là mối quan hệ cộng sinh.

Lẽ ra, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường lành mạnh cho DN hoạt động, thì nhiều đơn vị lại coi mình là cấp trên của DN.

Ở lĩnh vực của mình, ông Dũng cho hay từ khi Bộ Thủy sản nhập về Bộ NN - PTNT sinh ra nhiều TTHC phức tạp, còn TTHC cũ lại ít thay đổi.

“Tôi rất ghét phải đi xin, nhưng hôm nay tôi xin mấy anh đơn giản các TTHC để cho DN được nhờ”, ông Dũng khẩn thiết.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thừa nhận dù Đề án 30 về cải cách TTHC đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đó chỉ là bước đầu và cần phải cải cách nhiều hơn nữa để gỡ khó cho DN.

Trung Hiếu
Theo Thanhnien

Từ khóa: