Sự kiện hot
8 năm trước

Thủ tục vay vốn đã giảm hơn 40% mẫu biểu

Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục, phí cho vay không cần thiết. Từ đó, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giao dịch hành chính với tổ chức tín dụng

Liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) vay vốn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng (TCTD).


Thủ tục vay vốn đã giảm thiểu nhiều biểu mẫu, chi phí. (Ảnh minh họa).

Các TCTD cũng tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết.

Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...), Thống đốc cho biết.

Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%. Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng chỉ ra ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển

Với những giải pháp mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai cho thấy ngành Ngân hàng luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp trong mối quan hệ với lợi ích của ngân hàng, vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển, người đứng đầu NHNN khẳng định.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đối với 13 tỉnh vùng ĐBSCL ngày 13/5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã có ý kiến, nhất là DNNVV khó tiếp cận vốn là do năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của doanh nghiệp còn nhiều yếu kém.

Bên cạnh đó, những khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế của một số trường hợp cũng khiến các NHTM thận trọng hơn trong cho vay.

Tiếp thu ý kiến này, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó đặc biệt là cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường cho vay tín chấp.

Mặt khác, các TCTD cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài.

Về kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong 4 tháng đầu năm 2017, NHNN đã nhận được 17 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và 12 kiến nghị do VCCI tổng hợp.

Đến nay, ngành Ngân hàng đã có văn bản trả lời đầy đủ các kiến nghị này và Chính phủ đã đăng công khai trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Các kiến nghị này đều tập trung vào một số vấn đề đã được báo cáo trên, Thống đốc cho biết.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn; đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tiến Vũ
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: