Chiều 14/11, thông qua hình thức làm việc trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bấm nút khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc” do Liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) – Tập đoàn YCH– YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư.
Dự án là một trung tâm logistics đa phương thức tích hợp cảng cạn, ứng dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất Châu Á, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, được triển khai trên tổng diện tích 83 ha.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN: Cơ hội đưa logistics Đông Nam Á lên vị trí dẫn đầu
Sự kiện khởi động Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN (ASLN) nằm trong khuôn khổ Chương trình hoạt động tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức từ ngày 12-15/11/2020. Đây là một trong các hoạt động nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN là một nền tảng hợp tác với mục tiêu chung là tăng trưởng thông minh và bền vững dựa trên cơ sở hạ tầng logistics thông minh, hướng đến mục tiêu hỗ trợ kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025.
Mạng lưới sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN thông qua kết nối đường bộ, đường sắt và đường biển; nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua giải quyết các điểm nghẽn chính; từ đó, giúp giảm chi phí chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN và cải thiện tốc độ cũng như độ tin cậy của chuỗi cung ứng ở mỗi quốc gia trong khu vực.
Ý tưởng này được hiện thực hóa trên cơ sở sáng kiến về một chuỗi kết nối logistics thông minh tầm cỡ khu vực được đề xuất bởi Tiến sĩ Robert Yap (Chủ tịch Điều hành Tập đoàn YCH), đại diện cho Singapore trong thành viên hội đồng ASEAN BAC vào năm 2018.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN sẽ được chính thức khởi động với dự án đầu tiên: Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc do liên danh Tập đoàn T&T Group (Việt Nam) – Tập đoàn YCH -YCH Holdings (Singapore), làm chủ đầu tư. Với việc khởi động này, Việt Nam đã và đang cho thấy vai trò điều phối của năm Chủ tịch ASEAN, khi làm tốt việc kết nối, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực triển khai lộ trình tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN, tham gia soạn thảo sáng kiến liên kết ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ các thành viên mới hội nhập khu vực.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác giữa Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH, nhất là trong bối cảnh dịch covid 19 bất ngờ bùng phát, lan rộng, đe doạ sức khoẻ người dân, làm gián đoạn sản xuấtn toàn cầu và ASEAN “Đây là sự kiện hợp tác có ý nghĩa giữa doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, minh chứng cho tinh thần gắn kết ASEAN, tư duy chủ động thích ứng, sáng tạo giữa các doanh nghiệp diễn ra trong tuần lễ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan”.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Singapore và Việt Nam là hai nước có liên kết doanh nghiệp mạnh mẽ với minh chứng chính Singapore là đối tác có tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam thuộc TOP đầu trong năm 2019 “Bất chấp đại dịch nhưng Tập đoàn YCH và T&T Group vẫn tìm được tiếng nói chung để triển khai dự án logistics lớn nhất của YCH tại Việt Nam, đón đầu những xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự án tiên phong này sẽ giúp tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực, hỗ trợ cho nỗ lực hội nhập kinh tế của ASEAN, cũng như các sáng kiến trong kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN”.
Tại sự kiện, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group cho biết, Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với sự khởi đầu của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ taọ đà cho sự đột phá của ngành logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam xuống 14% và đến năm 2025, xấp xỉ Singapore ở mức 8-10%,
“T&T Group tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các Chính phủ, các doanh nghiệp ASEAN sẽ nỗ lực không ngừng nhằm phát triển logistics xanh dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và công nghiệp 4.0, từ đó, tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN, hướng tới một ASEAN đoàn kết, tự cường, vượt lên các thách thức”, ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.
Trung tâm Logistics 4.0: Cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, quy mô 20 - 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước.
Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không, nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển rất chậm, khiến chi phí sản xuất trong nước rất cao, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Năm 2019, tỷ lệ đóng góp của ngành logistics trong GDP chỉ chiếm 4-5%, hoạt động còn đơn lẻ, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, chưa có nhiều doanh nghiêp ứng dụng các giải pháp có tích tích hợp cao.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP tại Việt Nam đang ở vào khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, thậm chí cao gần gấp ba lần so với các nước như Mỹ hay Singapore. Bên cạnh đó, chi phí về logistics ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp. Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Với áp lực cạnh tranh gay gắt của thương mại quốc tế, chạy đua về công nghệ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro, Trung tâm Logistics công nghệ cao không chỉ là điều kiện cần thiết cho sản xuất công nghiệp, là mắt xích thiết yếu giúp giảm chi phí thương mại, tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại ở các quốc gia.
Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc chính thức tại Singapore vào tháng 4/2018, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group đã đến thăm Công ty Thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) của Tập đoàn YCH - được ví như một Thung lũng Silicon thu nhỏ phục vụ hậu cần và là chuỗi cung ứng quan trọng của Singapore. Sau chuyến thăm đó, thông qua sự kết nối của Thủ tướng Chính phủ, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN (ABIS) 2018, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH đã “bắt tay” chiến lược để đầu tư phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.
“Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là viên gạch hồng góp phần xây đắp nhịp cầu hợp tác ASEAN và kết nối hữu nghị Việt Nam – Singapore”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tại sự kiện Lễ khởi động Mạng lưới Logistics ASEAN, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPortTM) cho ông Đỗ Quang Hiển - đại diện Liên danh Tập đoàn T&T Group – YCH Group –YCH Holdings.
Chia sẻ về dự án, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có 4 trụ cột chính là kết nối, bền vững, tốc độ và khả năng mở rộng, hướng tới 5 mục tiêu lả xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, logistics thông suốt với trung tâm ngang tầm quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực”.
Theo đó, với lợi thế về vị trí, hạ tầng kết nối cùng việc ứng dụng công nghệ 4.0 và các công nghệ tiên tiến bậc nhất Châu Á trong vận hành, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc sẽ góp phần tháo gỡ các nút thắt về áp lực thời gian, vận chuyển, tối ưu hóa chi phí và nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp; đồng thời tạo ra điểm kết nối lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và quốc tế.
“Cùng với Tập đoàn T&T Group, chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong thực hiện Trung tâm Logistics ICD đa phương thức tích hợp cảng cạn và hoạt động của trung tâm chuỗi cung ứng, hướng đến mục tiêu tạo ra các công nghệ hiệu quả và tính kết nối cao nhằm tạo ra các nền kinh tế vững mạnh và phát triển”, Tiến sĩ Robert Yap, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn YCH chia sẻ thêm.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort ™) nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nằm trong quy hoạch phân khu C4). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD, quy mô 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông qua khoảng 530.000 TEU, gồm chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Clearance Depot - ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
Với ví trị chiến lược tại tỉnh Vĩnh Phúc, cùng Trung tâm điều hành thông minh, cảng cạn Superport sẽ giúp nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển hang hoá bằng đường bộ, đường sắt, cũng như chuyển hang tới các cảng biển và sân bay trong khoảng thời gian tối thiểu. Dự án thúc đẩy giao thương Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác, đồng thời hình thành Trung tâm đào tạo với các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0.
Hồng Loan
Theo KTDU