Sự kiện hot
3 năm trước

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi

Thủ tướng chính phủ yêu cầu các Bộ ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi

Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Công điện nêu rõ trong thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Công điện 1767 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, các địa phương, đánh giá cụ thể tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, đặc biệt là các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường. Nếu có tác động tiêu cực, các cơ quan này cần đề xuất các giải pháp để hạn chế.

Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và các địa phương phải cùng kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất với những trường hợp có biểu hiện bất thường và xử lý. Các địa phương cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Các cơ quan này cũng cần tìm ra các bất cập trong quy định pháp luật để đề xuất sửa đổi. Thủ tướng tiếp tục lưu ý các cơ quan chức năng không được để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ Công an được giao chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Đất đấu giá nóng “bỏng tay”

Thực thế thị trường bất động sản thời gian qua đã xuất hiện các hiện tượng một số trường hợp đấu giá đất có kết quả cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, thậm chí có trường hợp cao bất thường. Mức giá cao hậu đấu giá có thể tạo hiệu ứng với phát triển kinh tế – xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Đáng chú ý, phiên đấu giá đất 4 lô đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) vào ngày 10/12 vừa qua đã khiến thị trường “chấn động” khi thu về số tiền 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần giá khởi điểm. Trong đó, lô đất 3-12, diện tích 10.060 m2 đã được đấu giá thành công với số tiền 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng một m2, gấp 8,3 lần so với mức khởi điểm.

Bán đảo Thủ Thiêm.

Tại Hà Nội, hồi cuối tháng 10, phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cũng gây chú ý. Mức giá cao nhất của phiên là 360 tiệu đồng một m2, gấp đôi giá khởi điểm, cho lô đất diện tích 44,5m2 mặt phố Dương Khuê. Các lô đất còn lại cũng có giá trúng thầu cao gấp 2-2,5 lần dù giá khởi điểm đã gần 200 triệu đồng một m2.

Tương tự, tại Bắc Giang, đất đấu giá một số địa phương thuộc tỉnh này cũng được nhắc đến nhiều với các phiên đấu giá “nóng hầm hập” khi nhà đầu tư đổ về đông như trẩy hội. Chỉ riêng trong tháng 11/2021, toàn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 10 phiên đấu giá ở nhiều huyện với tổng số tiền trúng đấu giá là gần 1.500 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 759 tỷ đồng.

Dù các phiên đấu giá diễn ra sôi động, chênh chênh lệch cả trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm, tuy nhiên sau đó xuất hiện tình trạng nhiều nhà tư lại bỏ cọc do giá đã được đẩy lên quá cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng (Bắc Giang), từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 477 lô đất được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong đó có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Đơn vị này đánh giá, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc khách hàng trả giá quá cao, có rất nhiều lô đất tăng gần gấp đôi mức giá khởi điểm. Điều này cũng không không phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất trên thị trường.

Tại Thanh Hoá, tình trạng khách hàng đấu giá rồi bỏ cọc cũng diễn ra và lặp lại nhiều lần. UBND các huyện Quảng Xương, Hoằng Hoá, Thọ Xuân đã ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với hàng trăm lô đất. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền, không thực hiện các thủ tục theo quy định, chấp nhận mất tiền đặt cọc…

Trong đó tại Thọ Xuân, giá khởi điểm mỗi lôchỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá đều được đẩy lên mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi lô đất.

Theo một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, việc đấu giá đất bỏ giá cao so với giá khởi điểm là một trong những chiêu trò đẩy giá của giới đầu cơ nhằm tạo sóng, đẩy giá bán các lô đất ở những khu khác lên cao. Đa số những người trúng đấu giá sẽ tìm khách bán chênh ngay tại khu đất từ 50 – 200 triệu đồng/lô để kiếm lời. Còn những ai không bán được ngay thì sẵn sàng bỏ cọc bởi giá trúng đấu giá đã ở mức quá cao…

Hạ Lam

Theo KTĐU

Từ khóa: