Sự kiện hot
7 năm trước

Thực đơn 20 món ăn dặm giàu dinh dưỡng cho bé dưới 1 tuổi

Là mẹ của hai em bé, chị Huyền luôn chủ động thay đổi thực đơn cho con, giúp bé hào hứng với đồ ăn và cân bằng dinh dưỡng.

Chị Lưu Thị Thu Huyền, 23 tuổi, ở Cửa Đông, Hà Nội hiện đang ở nhà chăm bé toàn thời gian và có bán thêm đồ ăn online. Chị là mẹ của 2 bé trai kháu khỉnh, bé lớn tên Gia Bảo giờ đã được 4 tuổi và bé Sóc tên thật là Tùng Lâm hiện vừa sinh nhật tròn 1 tuổi. Chị chia sẻ, với bé lớn là bé đầu tiên nên việc chuẩn bị cho con ăn dặm cũng khá là lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Nhưng vì bà nội bé đã từng chăm trẻ con nên chị đã học được của bà rất nhiều kinh nghiệm. Đến khi chăm bé thứ 2, mọi việc diễn ra suôn sẻ và thuận lợi hơn nhiều.

Vợ chồng chị Huyền và hai con.

- Chào chị, chị cho bé bắt đầu ăn dặm từ khi nào?

Chào bạn, cả 2 bé nhà mình đều bú sữa mẹ hoàn toàn đến 5 tháng rưỡi mình mới bắt đầu cho bé ăn dặm.

- Vậy quá trình ăn dặm của con diễn ra như thế nào, theo phương pháp gì?

Mình cho Sóc ăn dặm kiểu Mẹ, kết hợp cả 3 phương pháp truyền thống, kiểu Nhật và bé tự chỉ huy. Ngày ăn dặm đầu tiên mình cho bé làm quen với bột ngọt, bột hoa quả ăn dặm của Hip, sau đó mới cho bé ăn cháo xay và chất đạm. Trộm vía bé nhà mình rất hợp tác.

Nhìn chung quá trình ăn dặm của con cho đến giờ diễn ra khá suôn sẻ, em bé tỏ ra hợp tác và thích thú với những món mình nấu. Mình luôn ý thức được việc phải thường xuyên thay đổi khẩu vị cho con để con không ngán dẫn đến chán ăn. Bởi vậy mình thường tìm tòi thêm trên mạng, học hỏi các mẹ bỉm sữa khác những món mới rồi mày mò làm cho con ăn.

Sóc ăn thun thút món mẹ nấu.

Bé nhà mình thì trộm vía là cháu chưa bị dị ứng với một loại thực phẩm nào cả và cháu cũng chưa từng bị nôn trớ hay hóc khi ăn. Trộm vía tỉ lần con. Còn về tăng độ thô của thức ăn thì mình phải tập dần dần cho con. Khoảng thời gian từ 6-7 tháng con ăn cháo xay, từ 8-9 tháng tập dần cho con bằng cách xay 1 nửa cháo rồi trộn với 1 nửa cháo đã nấu nhuyễn chưa xay, sau đó cứ thế tăng dần. Bé có thể ăn cháo nấu nguyên hạt không xay đến 1 tuổi rồi tập dần cho ăn cơm nát.

Về lượng ăn của con thì tuỳ vào từng bé, có bé trộm vía ăn rất tốt nhưng cũng có bé ăn kém hơn 1 chút nhưng các mẹ đừng lo, con ăn theo nhu cầu của con, con ăn đến khi nào cảm thấy no là thôi, các mẹ đừng ép con phải ăn hết bát cháo giống con nhà người ta, đến lúc no quá bé không chịu đc nôn hết ra thì mẹ lại ngồi ngẩn ngơ tiếc là biết thế mình không cho con ăn thêm nữa.

- Có bao giờ con chán ăn không, những lúc đó chị thường làm gì?

Thời tiết còn có lúc mưa lúc nắng, người lớn còn có lúc ốm lúc khoẻ, lúc chán ăn không nuốt được cơm vậy tại sao trẻ con lại không chứ? Khi con chán ăn mình luôn tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Con đang trong tuần wonderweek, biếng ăn sinh lý hay mẹ nấu chưa hợp khẩu vị của con hoặc răng miệng con có vấn đề? Các mẹ đừng vội tức giận và nản lòng nhé, cũng đừng ép con ăn vì sau này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ăn uống của con.

Ví dụ có hôm bạn Sóc chỉ ăn được nửa bát cháo là ngậm chặt miệng khóc không muốn ăn nữa. Như mọi ngày là chén sạch bát cháo này đấy. Không muốn ăn nữa ok luôn. Bữa sau mình đổi cách nấu và khẩu vị khác cho con. Nếu vẫn không chịu ăn thì sẽ dừng việc ăn khoảng 1-2 ngày sau đó nấu lại cho con ăn. Hoặc bình thường mình hay hấp chín đồ ăn sau đó xay cùng cháo cho bé ăn, được một thời gian bé chán không muốn ăn nữa mình thay đổi ngay cách nấu, đó là thịt thái nhỏ rồi xào thơm lên với 1 chút hành khi xay vào cháo mùi vị nó cũng sẽ khác hẳn luôn với khi mình hấp.

Trong lúc không ăn cháo thì mẹ tăng lượng sữa uống hàng ngày của con lên. Đừng lo con sẽ bị đói nhé vì các bạn nhỏ đói không chịu được đâu. Các mẹ đang có con biếng ăn thì đừng nản lòng vội nhé. Phải kiên trì mới thành công.

Chị Huyền không bao giờ ép con ăn nếu con không thích.

Quan điểm của mình là không bao giờ ép con ăn, cho con ăn những món con thích nhưng chỉ được trong mức độ cho phép chứ không chiều quá để bé ăn quá nhiều, và những món con không thích mình sẽ tập cho con ăn dần dần.

Sóc 7 tháng 13 ngày đã biết bốc, nhón và nhai thạo.

- Với chị, khó khăn lớn nhất chị gặp phải trong quá trình cùng con ăn dặm là gì?

Có lẽ với mình khó khăn nhất là việc làm mới thực đơn cho con. Mình phải lắng nghe và tìm hiểu xem con mình thích ăn gì và không thích ăn gì. Nhiều mẹ chỉ nấu mỗi kiểu nấu cháo cho con đến khi con chán không muốn ăn thì lại đổi cho là con lười ăn, rồi tìm mua các loại vitamin để kích thích cho con ăn ngon hơn nhưng đó là sai, mình phải thay đổi khẩu vị liên tục cho con, để con cảm thấy ăn ngon miệng hơn.

Dưới đây mình sẽ chia sẻ cho các mẹ những món mình thường xuyên nấu và một số món có công thức nấu cho Sóc ăn không chán suốt 6 tháng ăn dặm vừa qua nhé!

- Vâng, cảm ơn chị về những chia sẻ hữu ích!

Mời bạn đọc tham khảo thực đơn và cách thực hiện những món ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi của mẹ đảm 9x này nhé!

Bơ + Yến mạch + Hạt chia.

Món này rất tốt cho tiêu hoá và dinh dưỡng của bé. - Bơ gọt vỏ, cắt nhỏ. - Yến mạch ngâm nước khoảng 10p, cho nước xâm xấp rồi đun sôi khoảng 5-10p đến khi nào nở hết là được. - Cho bơ + yến mạch + 1 ít hạt chia vào máy xay nhuyễn là xong. (Sóc 6 tháng 24 ngày).

Sóc 280 ngày tuổi: Thịt bò + Rau cải + Phomai

-Thịt rửa sạch thái nhỏ xào chín sau đó xay nhuyễn. -Rau cải rửa sạch xay nhuyễn. -Quấy bột gạo đun sôi 1 lúc ( bột gạo rất lâu chín) rồi cho thịt đã xay vào nấu cùng, một lát cho thêm rau cải đã xay vào quấy đều là xong. -Nghiền phomai và cho dầu ăn vào bột trộn đều rồi cho bé ăn.

*Lưu ý: Rau xanh không nên nấu lâu vì nấu lâu sẽ bị mất hết chất. Vì thế rau sẽ cho cuối cùng, quấy thêm 1 lúc rồi tắt bếp.

Yến mạch + thịt gà + khoai tây + carot.

-Yến mạch ngâm nước 10-15p sau đó xay nhuyễn. -Thịt gà, khoai tây, carot hấp chín xay nhuyễn. -Nấu chín yến mạch, rồi cho thịt gà khoai tây carot đã xay nhuyễn vào quấy đều 1 lát rồi tắt bếp. -Nghiền phomai và thêm dầu ăn vào cháo.

Bánh bí đỏ nhân thịt bò phomai

*Nguyên liệu (áng chừng): -Bột nếp, bột năng (tỉ lệ bột năng bằng 1/3 bột nếp). -Bí đỏ. -Thịt bò. -Phomai. *Cách làm: -Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín. Trong lúc bí nóng, tán nhuyễn và đổ bột nếp, bột năng vào nhào cho mịn dẻo. Khối bột không còn bị dính là được (nếu bột vẫn nhão tiếp tục cho thêm bột khô vào nhào tiếp). *Phần nhân: Thịt bò băm nhỏ, xào thơm với 1 chút dầu ăn, nêm mắm hoặc hạt nêm cho vừa khẩu vị của bé. Phomai con bò cười viên vuông nhỏ cắt đôi. Mỗi cái bánh chỉ cần nửa viên. -Vê tròn những viên bột, ấn dẹt cho nhân thịt và nửa viên phomai vào giữa, gấp các mép bột lại, vê tròn, tạo ngấn. -Lót 1 miếng giấy trắng dưới cái bánh để không bị dính vào nồi. Đem đi hấp 10-12 phút là chín. Đậy 1 chiếc khăn xô lên miệng nồi cho bánh không bị hơi nước giọt vào. Để bánh nguội hẳn rồi hãy cho ra đĩa, nếu bánh nhiều chia thành nhiều mẻ, khi xếp bánh vào hấp nhớ để bánh có khoảng cách để tránh cho bánh dính vào nhau.

Bột tôm + Rau ngót + phomai

-Bột tôm tự làm. - Cháo nấu tỉ lệ 1:7. -Rau ngót rửa sạch rồi cho vào xay nhuyễn cùng cháo. - Đun cháo và rau cho chín sau đó cho bột tôm vào quấy đều 1 lúc rồi tắt bếp. -Nghiền phomai và thêm dầu ăn cho bé.

Yến mạch + Bơ + Chuối

-Yến mạch ngâm nước khoảng 10p rồi nấu chín. -Bơ gọt vỏ cắt nhỏ. -Chuối hấp chín. -Cho tất cả hỗn hợp vào máy xay, xay nhuyễn là xong.

Đậu hũ yến mạch

-Chuẩn bị 50g yến mạch và 200ml nước lọc, có thể thêm 1 chút đường phèn nếu muốn. -Yến mạch ngâm 15-20p cho mềm ra. Thay nước 2-3 lần cho đỡ bị nhớt. Chắt hết nước ngâm đi sau đó cho 200ml nước lọc vào xay nhuyễn yến mạch. Lấy khăn xô lọc bỏ bã. Bã đấy các mẹ có thể dùng làm bánh cho con nhé. -Phần nước đã lọc các mẹ cho lên bếp đun với lửa nhỏ, thêm chút đường phèn, quấy đều tay đến khi nào bột quánh lại mới là đc nhé. Nếu quấy mà nó chưa quánh lại thì sẽ bị lỏng và không đông được lại. -Đổ ra bát cho nguội rồi để ngăn mát tủ lạnh là ăn được. Các mẹ có thể làm sốt hoa quả cho các con ăn kèm với món đậu hũ này. Hầu như bé nào cũng bị nghiện món này.

Sữa chua đậu phộng bí đỏ

*Nguyên liệu: -2 nắm đậu phộng. -1 miếng bí đỏ bằng khoảng 4 ngón tay. -500ml nước.

*Cách làm: -Đậu phộng chọn những hạt to đều, bỏ hạt lép hạt thối, cho lên chảo rang vàng, để nguội rồi vê bỏ vỏ. -Cho đậu phộng đã vê vỏ và 500ml nước vào đun khoảng 20p cho mềm. -Để nguội xay nhuyễn rồi lấy khăn xô lọc bỏ bã để thành sữa. -Bí đỏ gọt vỏ, thái miếng rồi hấp chín. -Bí đã chín cho vào phần sữa đã lọc xay nhuyễn là có món sữa thơm ngon rồi. -Để ngăn mát tủ lạnh dùng trong 2 ngày. Nhưng mình vẫn khuyến khích các mẹ làm bữa nào cho con uống hết bữa đấy để đảm bảo độ thơm ngon ngậy của sữa.

Bữa phụ: Yến mạch táo phomai

-2 nắm yến mạch. -Nửa quả táo. -1 viên phomai.

*Cách làm: -Yến mạch ngâm nước 10p. Chắt bỏ nước ngâm, cho 1 ít nước lọc vào nấu chín. -Táo gọt vỏ hấp chín. -Cho yến mạch đã nấu chín và táo đã hấp chín vào xay nhuyễn. -Đổ ra bát nghiền phomai vào cùng.

Cháo ếch đỗ xanh

*Nguyên liệu: -50gr gạo tẻ. -Một con ếch 200gr. -30gr đậu xanh. -Dầu mè, nước mắm, hành. *Cách chế biến: -Ếch lột vỏ, rửa sạch. Lọc lấy thịt và băm nhuyễn. Xương ếch cho vào ninh nấu cháo cùng đậu xanh. -Phi thơm hành, cho ếch vào xào săn lại, thêm chút mắm cho thơm. -Cháo đậu xanh chín mềm, cho ếch đã xào vào, nêm lại cho vừa miệng, thêm chút hành lá thái nhỏ rồi tắt bếp. -Thêm chút dầu mè trộn đều cho bé ăn khi cháo còn nóng ấm.

Sữa hạt sen mè đen

*Nguyên liệu: -1 nắm hạt sen. -1 thìa ăn cơm mè đen. -350ml nước. -Đường phèn hoặc đường thốt nốt. *Cách làm: -Hạt sen ngâm qua đêm rửa sạch ninh mềm. -Mè đen rang thơm rồi cho vào nấu cùng hạt sen. -Để nguội rồi xay nhuyễn. -Dùng khăn xô lọc bỏ bã để được thành phẩm là sữa. -Nếu cảm thấy chưa yên tâm thì cho hỗn hợp sữa đã lọc lên bếp đun sôi 1 lần nữa. -Đường phèn hấp cách thuỷ cho tan hết ra rồi cho vào sữa khuấy đều. -Bảo quản tủ lạnh được 2 ngày nhưng mình vẫn khuyến khích các mẹ làm ngày nào uống hết ngày đấy. Dùng như bữa phụ cho con.

Bánh flan bơ sữa công thức

*Nguyên liệu: -120ml sct pha đúng tỉ lệ. -1 lòng đỏ trứng gà ta. -1/2 quả bơ vừa vừa. *Cách làm: -Trứng gà tách lòng trắng, cho lòng đỏ vào 120ml sct đã pha. -Đánh nhẹ tay cho trứng gà hoà tan với trứng, không được để lên bọt. -Bơ chỉ lấy phần xanh bên ngoài, không lấy phần vàng bên trong rồi xay nhuyễn.- Bơ xay cho vào hỗn hợp trứng sữa đánh nhẹ tay. -Lọc lại qua rây để bỏ hết lợn cợn trong hỗn hợp. -Chia vào từng hũ nhỏ rồi mang đi hấp cách thuỷ. -Đậy miếng khăn xô lên miệng nồi để nước không chảy được vào trong hũ bánh. -Hấp với lửa thật nhỏ tránh bánh bị rỗ. -Chọc thử tăm thấy tăm khô không bị ướt là bánh chín. -Cho bé ăn luôn hoặc cất tủ lạnh ăn trong 1-2 ngày.

Pancake trứng sữa

*Nguyên liệu: -100-150ml sữa tươi có đường tuỳ lượng ăn của bé. -1 lòng đỏ trứng gà. -Bột mì. *Cách làm: -Bột mì pha với sữa tươi và lòng đỏ trứng sao cho hơi sánh. -Đổ hỗn hợp qua rây lọc cho mịn. -Làm nóng chảo bằng lửa to khoảng 1p. Tắt bếp, đặt chảo vào 1 cái khăn ẩm khoảtng 20s để chảo nguội. -Bật lửa nhỏ liu riu, dùng muôi múc bột đổ từ trên cao xuống cách chảo 15-20cm để bánh được tròn đẹp. -Dùng xẻng inox để lật bánh, lật đi lật lại cho bánh chín vàng đều. -Bánh chín bỏ ra đĩa để nguội. *Lưu ý là không dùng dầu để rán bánh. *Thành phẩm bánh vàng đều, thơm, mịn, xốp. Ăn có vị ngậy của sữa và trứng.

Thanh Nhã - (Ảnh: NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: