“Bim bim Úc, hướng dương Nga…”
Phố Nguyễn Sơn được biết đến là một trong những địa điểm nổi tiếng với hàng xách tay ở Hà Nội. Hàng hóa ở đây được quảng bá là có nguồn gốc xịn, do các hướng dẫn viên và phi công trực tiếp “xách” từ nước ngoài về.
Xét về vị trí, quả thật con phố này liền kề với nhiều cơ quan của ngành hàng không Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến trung tâm của đoàn tiếp viên hàng không, nơi luôn tấp nập bởi các lái buôn săn hàng “bay” từ nước ngoài về. Chúng tôi đến hai con ngõ tập trung nhiều nhất những cửa hàng bán đồ xách tay là ngõ 115, ngõ 117 phố Nguyễn Sơn. Nhìn bề ngoài khá vắng lặng nhưng vào bên trong thì không khí mua bán rất sôi động.
Tại đây, phần lớn các cửa hàng chỉ có mặt tiền chừng 3-4m nhưng chiều sâu lại “hun hút”, khi đi vào trong mới biết nó chẳng khác gì một siêu thị mini. Hầu hết các cửa hàng đều có diện tích mặt bằng trên dưới 100m2, bày đủ các chủng loại hàng hoá mác nước ngoài. Hàng ở đây đa dạng, từ mức giá thấp cho đến cao như bim bim, bánh, kẹo, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, dao, kéo, dĩa, nồi xoong, chảo, kính mắt, sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm, bia, rượu ngoại…
Hỏi về nguồn gốc hàng, hầu hết các chủ hiệu này đều khẳng định 100% là hàng xách tay do các tiếp viên hàng không và phi công xách về. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cụ thể đến từng mặt hàng có giá trị thấp thì không ít người đã khó chịu.
Chị Nguyễn Hà Anh, chủ một cửa hiệu hàng xách tay phố Nguyễn Sơn thản nhiên: “Em tìm đúng mối rồi, cửa hàng chị thuộc diện nhất ở đây mà toàn hàng xịn 100% là do các tiếp viên hàng không và phi công mang từ nước ngoài về”. Chúng tôi băn khoăn: “Họ chịu xách cả bim bim, giấy vệ sinh, khăn quàng cổ về đến đây chỉ có giá 200.000 - 300.000 đồng, túi xách tay dưới 1 triệu đồng à? Chưa kể em thấy nhiều mặt hàng ngoại nhà chị phải xách tay về như son, dưỡng da, dầu gội đầu, sữa tắm, nước xả vải… nhưng ở chợ Đồng Xuân có nhiều mà giá còn mềm hơn”. Lập tức, chị chủ hàng sừng sộ: “Chẳng kể được. Bây giờ đồ giả thì nhiều, thật thì ít. Tùy em đi buôn, lãi nhiều, đông khách là được. Căn vặn nhiều quá”.
Mác “Âu Mỹ” nhưng “chất” Trung Quốc
Tiếp đó, trong vai khách hàng tìm mối đổ sỉ, chúng tôi tỏ ý băn khoăn đang có quy định cấm tiếp viên hàng không, phi công không mang vali lớn thì nguồn hàng sẽ khan hiếm, thì chị Phan Thị Bình, chủ cửa hiệu hàng xách tay B.P, phố Nguyễn Sơn cười lớn: “Đi buôn mà chỉ trông cậy có một vài mối hàng lẻ thì sống làm sao? Bị cấm thì tiếp viên có thể đói nhưng mình vẫn phải sống khỏe. Em cứ xem hàng, thỏa thuận giá cả, thích bao nhiêu hàng chị “phích” cho từng ấy, nhập nhiều thì giá càng dễ chịu”.
Khi câu chuyện đã trở nên thân tình, chị Bình thổ lộ: “Không phải hàng xách tay nào cũng có nguồn gốc từ Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan... Muốn kiếm lời cao phải biết móc nối với hàng nguồn Quảng Châu (Trung Quốc) em ạ. Quảng Châu có cả khu chuyên bán hàng "nhái" các hãng nổi tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Em cứ lấy hàng của chị, khi nào đủ thâm tình chị cho em đi cùng sang đó đánh quả. Giá cất mềm mà bán lại đắt hàng vì nó phải chăng mà hình thức thì chẳng khác gì hàng chính hiệu”.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hà Thị Minh Yến (ngõ 55 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) bật mí: “Tôi nghiện hàng xách tay nên 1-2 tuần lại phải ghé qua Nguyễn Sơn để giải nghiện. Nhưng không phải cứ hàng nào bán ở đây cũng là xách tay chính hiệu mà khá nhiều hàng “nhái” từ Trung Quốc”. Chị Minh Yến cho biết từng bỏ ra 10 triệu đồng để mua chiếc túi hiệu Buberry, rẻ hơn giá ở showroom Buberry 50% nhưng khi sang nước ngoài công tác, Hải quan bên đó đã thu lại chiếc túi của chị để kiểm tra và phát hiện ra đó là hàng “nhái” cao cấp.
Một tiếp viên hàng không xin giấu tên cũng thổ lộ: “Theo quy định cũ chúng tôi được mang khoảng 30 kg hành lý, ngoài ra còn được mang theo một túi áo khoác và một vali bé. Nghĩa là tối đa có thể mang được khoảng 50kg, biết cách thì có thể mang được nhiều hơn nữa nên có thể kết hợp mang hàng về bán kiếm thêm. Nhưng theo quy định bây giờ chắc là khó khăn hơn nhưng “biết luật” vẫn đánh được hàng”.
Cũng theo tiếp viên này thì hàng xịn mang từ nước ngoài về giá thường khá đắt và chỉ những người thật sự “chịu chi” mới dùng được, còn nếu không thì thường chỉ mua được hàng “nhái”.
Tìm hiểu được biết, tiếp viên, phi công xách hàng về nhận tỷ lệ ăn chia như sau: Hàng có giá trị càng cao, thương hiệu càng xịn thì tiếp viên sẽ được ăn chia càng nhiều, tỷ lệ ăn chia không cố định nhưng thường là 15- 20%.
Ví dụ, với một lọ nước hoa khi mang về đến nơi (mối sẽ xem hóa đơn tiếp viên mua bên nước ngoài) có giá khoảng 2 triệu đồng, tiếp viên được chia khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Trường hợp thấp nhất với nước hoa rẻ hơn, tỷ lệ ăn chia tính theo đơn vị khoảng 100.000 đồng/mặt hàng. Đối với một số mặt hàng có giá trị thấp, tiền trả cho tiếp viên tính theo số lượng kilôgam hàng hóa mang về.
|
Mai Hạnh
theo GĐ&XH