Sự kiện hot
7 năm trước

Thuốc trừ sâu Delfin tồn dư trên rau ở trường mầm non Hoàng Liệt: Hiểm họa hay an toàn?

Theo sổ nhật ký ghi chép các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, thuốc trừ sâu Delfin - 32 WG là chất còn tồn dư trong rau mồng tơi cung cấp cho trường Mầm non Hoàng Liệt.

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là các loại hóa chất được sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng, góp phần làm tăng sản lượng cây trồng và giảm các thiệt hại trước thu hoạch. Tuy nhiên bên cạnh những mặt lợi đó thì thuốc bảo vệ thực vật gây độc hại đối với sức khỏe con người

Đoàn công tác kiểm tra đột xuất tại trường mầm non Hoàng Liệt phát hiện rau mùng tơi dương tính với chất bảo quản thực vật.

Các hóa chất bảo vệ thực vật thường có thời gian tồn tại nhất định trên bề mặt cây cối, trong đất gieo trồng. Một số từ đất được rễ cây hút lên lá, hoa và tích lũy trong cây nên các sản phẩm thu hoạch có một lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện nay, có tình trạng người sử dụng phun trực tiếp hóa chất bảo vệ thực vật lên nông sản ngay trước ngày thu hoạch; ngâm rau quả vào thuốc để bảo quản lâu ngày hoặc kích thích hoa quả chín nhanh. Đây là nguyên nhân khiến lượng hóa chất BVTV sẽ tồn dư lại trong các sản phẩm rau quả.

Khi người tiêu dùng ăn phải rau còn tồn dư thuốc BVTV, người ăn có thể bị ngộ độc tức thời hoặc tích tụ lại trong cơ thể gây ra rối loạn thần kinh trung ương, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Đặc biệt, việc sử dụng phải rau củ nhiễm hóa chất sẽ rất nguy hiểm với các nhóm đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người mới ốm dậy, người mắc các bệnh mạn tính.

Liên quan đến việc tồn dư thuốc BVTV trên rau, trước đó, thực hiện kế hoạch của UBND quận Hoàng Mai và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 19/10, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàng Mai về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã tiến hành kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường học tại địa bàn.

Qua test nhanh thực phẩm tại Trường mầm non Hoàng Liệt, đoàn kiểm tra đã phát hiện một mẫu rau mùng tơi tại tủ lưu trữ chưa qua chế biến dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật. Đoàn kiểm tra đã kết hợp với cán bộ thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội lập biên bản sự việc tại chỗ. Đây là kiểm tra bằng bộ dụng cụ test nhanh của ngành y tế thì phát hiện dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã tìm ra được nguồn gốc nơi trồng rau mồng tơi này và xác định được loại thuốc mà hộ nông dân đã sử dụng.

Theo đó, sổ nhật ký ghi chép các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng cho ruộng rau mồng tơi diện tích 240m2 cho thấy thời điểm gần nhất mà hộ ông Kháng sử dụng thuốc BVTV là ngày 16/10/2017. Tên thuốc là Delfin – 32 WG.

Delfin – 32 WG chính là thuốc trừ sâu nhóm sinh học, được sản xuất từ vi khuẩn Bacillus thurigiensis (B.T) giống kurstaki 3a3b. Là một dòng hoàn toàn mới và có hiệu quả cao hơn hẳn các dòng B.T khác. Thuốc có độ hữu hiệu cao gấp hai lần so với sản phẩm B.T thông thường (vì thế lượng sự dụng chỉ bằng 1/2 so với sản phẩm B.T khác-10 gram cho một bình xịt loại 10-12 lít).

Báo cáo kết quả truy xuất nguồn gốc rau mồng tơi cung cấp vào Trường Mầm non Hoàng Liệt.

Delfin WG là loại thuốc đặc trị sâu hại thuộc Bộ cánh phấn (cánh vẩy) (Lepidoptera) như :sâu tơ, sâu xanh da láng, sâu khoang, sâu đo, sâu ăn lá, sâu đục quả…đã kháng (nhờn) với thuốc hoá học và thuốc trừ sâu khác trên bắp cải, su hào, cà chua, đậu đỗ, lạc (đậu phộng), hành tỏi, dưa chuột, dưa hấu, cây công nghiệp, cây ăn trái.

Loại thuốc trừ sâu này có thể an toàn cho người, vật nuôi, môi trường và sinh vật có ích nếu người nông dân đảm bảo đúng liều lượng, quy trình phun và thời gian cách li. 

Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), trong một cuộc điều tra, phát hiện tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách lên đến 20%, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly,...

Hiện nay, nước ta đang nhập về 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm gồm 4.100 thương phẩm và khoảng 1.630 hoạt chất (ở Trung Quốc chỉ cho dùng khoảng 900 hoạt chất). Đáng chú ý là có đến 90% lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập từ Trung Quốc.

Với thực tế sản xuất hiện nay, không thể dựa vào lời nói của nông dân nói rau đó an toàn là có thể khẳng định an toàn, ăn vào sẽ không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Bởi nông dân toàn tự phun thuốc, khi thu hoạch rau bán thì nói cách ly đúng theo hướng dẫn của mỗi loại thuốc. Tuy nhiên, không ai dám chắc nông dân họ thực hiện đúng và trung thực trong quá trình họ trồng rau không có cơ quan nào có thể giám sát hết được. Đây chính là khâu khó nhất trong sản xuất rau an toàn hiện nay.

Trở lại với vụ rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại trường Hoàng Liệt, UBND quận hoàng Mai cho biết đã đưa mẫu rau đi xét nghiệm chuyên sâu và sẽ có kết quả trong ngày hôm nay (31/10). Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, những đơn vị liên quan sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo Đời sống và Pháp luật

Từ khóa: