Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thương mại điện tử: Cơ hội và thách thức cho ngành bán lẻ

Thương mại điện tử đang đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam. Trong thời gian tới, thương mại điện tử tiếp tục là xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.

Gia tăng tiện ích, giảm chi phí

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, trở thành một xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử là việc gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng. Với thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có kết nối Internet. Họ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm, so sánh giá cả, đặt hàng và thanh toán trực tuyến một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Đại dịch COVID-19 đã trở thành “chất xúc tác” mạnh mẽ làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, siêu thị… nhiều người đã quan tâm hơn đến việc mua sắm tại các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội.

Thống kê cho thấy, các nền tảng bán hàng online phổ biến như Shopee, Tiki, Lazada... đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng không thiết yếu trong những năm đại dịch (2020-2022). Các sản phẩm được mua online nhiều nhất là sản phẩm thời trang, thiết bị gia dụng...

Điều này đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp bán lẻ. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng tạo ra sức bật cho ngành bán lẻ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Các nhà sản xuất đã tận dụng các website của chính doanh nghiệp mình, các trang thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Điều này đã giúp giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm. Đây cũng chính là xu hướng của ngành bán lẻ trong thời tới, đặc biệt với các mặt hàng nông sản.

Xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ 

Để tận dụng thương mại điện tử hiệu quả, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành phố. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử, tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn cũng được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua thương mại điện tử.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thương mại điện tử đang mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thương mại điện tử cần được tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ và an toàn, bảo mật thông tin.

Bảo An

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: