Ngày 28/11, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCMC) phối hợp với Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Tiềm năng kinh doanh với thị trường Nga-EU.”
Ngày 28/11, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCMC) phối hợp với Bộ Công Thương và Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Tiềm năng kinh doanh với thị trường Nga-EU.”
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn thương mại Việt Nam-Liên bang Nga và Việt Nam-EU, nhằm tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, đối tác, cơ hội kinh doanh, đầu tư đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Trong 9 tháng của năm 2012, kim ngạch thương mại Việt Nam-Liên bang Nga đạt 1,77 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 1,13 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 640 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Liên bang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông-thủy-hải sản các loại…; nhập khẩu những sản phẩm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị…
Về đầu tư, tính đến hết tháng 9/2012, Liên bang Nga có 78 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 919 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đầu tư của Liên bang Nga vào Việt Nam tăng nhanh trong vài năm gần đây, tập trung ở lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo và liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông…
Riêng với EU, nếu như năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,75 tỷ USD thì năm 2011 đã tăng mạnh lên 24,29 tỷ USD, còn 8 tháng đầu năm 2012, đã được đạt 18 tỷ USD (tăng 23,12% so với cùng kỳ năm 2011). EU luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 15-20%/năm.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc VCCI-HCMC, quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác ở các lĩnh vực năng lượng, khoa học, công nghệ, giáo dục-đào tạo, du lịch…
Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được, phải tăng cường đa dạng hóa các kênh hợp tác, trao đổi thương mại, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD vào năm 2015.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ chú trọng về việc mở đàm phán với Liên minh Hải quan (bao gồm Liên bang Nga-Kazakhstan-Belarus) về thiết lập khu vực thương mại tự do (FTA) vào quý I/2013 và phấn đấu kết thúc đàm phán trong vòng hai năm.
Tại hội nghị, ông Kardo Sysoev Alexander, cán bộ Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết theo đánh giá tổng kết năm 2012, tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Liên bang Nga dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng gấp 15 lần so với 10 năm trước.
Trong đó, hai nước không cạnh tranh với nhau trên thị trường quốc tế vì cơ cấu thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam có tính bổ sung. Ngoài ra, có nhiều lĩnh vực hợp tác hiện nay đang thu hút các doanh nghiệp Liên bang Nga vào Việt Nam như thăm dò và khai thác dầu khí, ngân hàng, công nghiệp nhẹ…
Doanh nghiệp hai bên còn có nhiều điều kiện ưu đãi thuận lợi trong hoạt động thương mại, đầu tư, đặc biệt là ở lĩnh vực thuế quan, nếu Việt Nam và Liên minh Hải quan ký kết Hiệp định FTA nhưng để tận dụng hiệu quả những cơ hội đó, các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực cạnh tranh của sản phẩm (giá và chất lượng), uy tín các nhà cung cấp, điều kiện thanh toán hợp đồng…
Dịp này, các đại diện đến từ Bộ Công Thương Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Ngân hàng liên doanh Việt-Nga cũng đã giới thiệu tổng quan về thị trường EU, Liên bang Nga và Liên minh Hải quan Nga; kinh nghiệm ký kết hợp đồng thương mại và đối phó với những rủi ro trong kinh doanh; dịch vụ thanh toán hỗ trợ doanh nghiệp./.
Theo TTXVN