Đặc biệt, uống trà đen hàng ngày mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư, tốt cho tim mạch, tiêu hóa.
Ở Việt Nam, trà đen được chế biến từ lá và đọt cây trà tươi, xay giã nát, ủ cho lên men trong thời gian rất lâu, rồi phơi sấy khô. Với phương pháp chế biến lên men 100% giúp trà đen bảo quản lâu hơn hương vị đậm đà hơn các loại trà khác, khi pha có màu nâu đỏ tươi, vị dịu, hương thơm nhẹ.
Ngoài ra, quá trình chế biến theo phương pháp này làm cho trà đen có những tác dụng nổi trội rõ ràng. Bởi thế, không chỉ hấp dẫn với cái chất riêng là hương vị nhẹ nhàng, tinh tế không cần thêm đường hay sữa, trà đen còn chứa nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe.
Trà đen khác với trà xanh và trà trắng ở điểm ủ cho lên men sau khi phơi khô. Nhờ quá trình này mà trà đen chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng oxy hóa, phòng ngừa ung thư, đẩy lùi sự lão hóa tế bào, và bổ sung chất dinh dưỡng thực vật cho cơ thể.
Các chất phytochemical và tannin tìm thấy trong trà đen được chứng minh là có tác dụng phục hồi đường tiêu hóa, giúp cải thiện hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Bên cạnh đó, trà đen có chứa caffeine, nhưng lượng caffeine thấp hơn trong café. Lượng caffeine thấp này lại tăng cường tuần hoàn máu lên não mà không gây kích thích tim quá độ, giúp người uống tập trung tốt hơn.
Uống trà đen cũng tốt cho sức khỏe tim mạch. Các chất chống ôxy hóa trong trà đen rất hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ, bệnh tim và các biến chứng. Thêm vào đó, trong trà đen còn có polysaccharide - một hợp chất có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường của cơ thể nên có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Alkylamines là các kháng nguyên chứa trong trà đen có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, trong trà đen còn chứa cả thành phần tannin giúp phòng chống virus gây bệnh, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt virus, … Bởi vậy, thói quen uống trà đen mỗi ngày sẽ giúp bạn nâng cao hệ thống miễn dịch để có được sức khỏe tốt nhất.
Ngoài những lợi ích tuyệt vời kể trên của trà đen thì mới đây trà đen còn được ghi nhận là giúp cải thiện được mức độ tập trung của con người. Đây là tuyên bố sức khoẻ của Unilever về lợi ích của trà đen đã được Uỷ ban An Toàn Thực Phẩm châu Âu ghi nhận. Tuyên bố này được kết luận từ một nghiên cứu trên con người của tập đoàn Unilever.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, Unilever đã thực hiện ba nghiên cứu có sự tham gia của con người, trong đó, các tình nguyện viên được cho uống 2 – 3 phần trà đen mỗi ngày hoặc nước có hương vị trà trong các dịp khác nhau. Những người thử nghiệm sau đó đã thực hiện một chuỗi các nhiệm vụ để đo độ tập trung của họ cả trước và sau mỗi lần uống trà. Những người uống trà đều đặn đều có được số điểm về độ tập trung cao hơn dựa trên độ chính xác và tốc độ phản ứng của họ. Một nghiên cứu khác đã cho ra kết quả rằng, uống trà càng đậm, điểm số càng cao.
Uỷ ban châu Âu sẽ xem xét ý kiến này và nếu như đơn đăng ký của Unilever được chấp nhận, thì Unilever sẽ được độc quyền sử dụng tuyên bố sức khoẻ này trong vòng 5 năm.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi Hiệp hội Chè Việt Nam đã và đang là đối tác thực hiện cùng Unilever tại Việt Nam trong dự án “Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng” (viết tắt VUI) để cung cấp các sản phẩm trà đen đạt tiêu chuẩn RA, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc BVTV cho Unilever.
Điều này sẽ giúp thúc đẩy cho trà đen (đang chiếm đến 80% sản lượng trà xuất khẩu của Việt Nam) phát triển mạnh mẽ hơn. Theo Hiệp hội chè Việt Nam, trong số tất cả các phân khúc sản phẩm trên thị trường chè toàn cầu, doanh thu từ phân khúc thị trường chè đen được dự báo sẽ dẫn đầu, đạt tốc độ tăng trưởng 5,1%/năm trong giai đoạn 2016 – 2024.
Vì thế, để nâng cao vị thế, thương hiệu của chè Việt Nam, đặc biệt là chè đen, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả ngành, thực hiện một chiến lược quốc gia, quảng bá, khẳng định thương hiệu chè Việt Nam trên trường quốc tế. Trước tiên, người sản xuất phải tạo ra sản phẩm chất lượng. Muốn vậy cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc, sơ chế; tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, nhất là phải tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung thay thế cho việc các hộ nhận khoán và hộ nông dân tự ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế mới hy vọng kiểm soát được tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng chè.
Bảo Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng