Mô hình kinh tế chia sẻ không còn quá xa lạ, song thách thức trong lĩnh vực này là thiếu môi trường pháp lý rõ ràng đảm bảo sự công bằng cho các loại hình kinh doanh.
Tiềm năng và thách thức trong việc phát triển mô hình “kinh tế chia sẻ”. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong một “thế giới phẳng” mà động lực là sức mạnh công nghệ, cư dân trong thời đại kỹ thuật số ngày càng hướng tới xu hướng đi thuê, ở trọ, chia sẻ nguồn lực với chi phí khiêm tốn thay vì sở hữu mọi thứ.
Mô hình kinh tế chia sẻ cũng không còn quá xa lạ khi đặc điểm tiêu dùng trên châm ngòi cho sự bùng nổ của các công ty cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn hạn như Airbnb, “đi xe chung” như Uber, chia sẻ nhạc số Spotify hay bất kỳ loại tài sản nào khác.
Thách thức chung của các công ty trong lĩnh vực này là thiếu môi trường pháp lý rõ ràng để tạo dựng hoạt động kinh doanh ổn định và bền vững.
Airbnb là kênh “mai mối” những người cần thuê chỗ ở và chủ sở hữu có phòng hoặc nhà trống. Hình thức “ở nhờ” này dường như không mới, song Airbnb tạo ra kênh kết nối trực tiếp các cá nhân có nhu cầu cho thuê phòng hay nhà, thậm chí lâu đài trống, với hàng chục triệu khách du lịch trên toàn thế giới, giúp các du khách tìm được nơi trú chân với chi phí hợp lý tại các địa điểm hấp dẫn.
Airbnb thu phí 3% từ người cho thuê chỗ ở và 12% đối với khách thuê trọ cho mỗi giao dịch được thực hiện thành công qua trang web của công ty. Đặt trụ sở tại San Francisco (Mỹ), Airbnb hiện đã có mặt tại 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, và được định giá ở mức 30 tỷ USD, vượt qua nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất so với Uber là Airbnb không phải đối mặt với cáo buộc cho rằng dịch vụ này đe dọa trực tiếp một đối tượng lao động cụ thể, mà trong trường hợp của Uber là các tài xế lái taxi.
Mặt khác, Airbnb cũng không phải là đối thủ trực tiếp của các khách sạn cao cấp, dù sự phát triển nhanh chóng của công ty này cũng khiến các đối thủ cạnh tranh trong thị trường lưu trú truyền thống và cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến phải “dè chừng”.Mặc dù mô hình chia sẻ nhà ở này đang ngày càng phát triển, cũng như Uber, Airbnb phải đối mặt với nhiều vụ kiện tụng về pháp lý cũng như bị chính quyền “sờ gáy” do các quy định ngặt nghèo khác nhau ở mỗi thị trường riêng biệt.
Giới chức nhiều thành phố, trong đó có Barcelona (Tây Ban Nha), San Francisco và New York (Mỹ) hay Berlin (Đức), đã bắt đầu siết chặt các quy định nhằm kiểm soát các cơ sở lưu trú loại này.
Trên thực tế, nhiều chủ nhà trọ trên Airbnb đăng ký cho thuê một lúc nhiều căn hộ và đây được coi là một dạng kinh doanh khách sạn trái phép trá hình, làm lũng đoạn giá cả trên thị trường.
Bên cạnh đó, Airbnb cũng vấp phải chỉ trích từ các nhóm vận động cho rằng mô hình này có thể dẫn tới sự lộn xộn, mất trật tự tại khu dân cư do lượng khách vãng lai tăng cao, hay việc người thuê trọ có những hành vi không phù hợp với văn hóa hay quy định của địa phương.
Trong một diễn biến mới đây, chính quyền bang New South Wales của Australia công bố một dự thảo các quy định cho phép chính quyền đánh thuế chủ hộ cho thuê nhà trên Airbnb và một quy trình có thể dẫn đến việc cấm hoàn toàn dịch vụ này.
Nhật Bản đã đưa ra luật cụ thể dành cho mô hình kinh tế chia sẻ. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN
Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia chính thức “bật đèn xanh” cho các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực kinh tế chia sẻ, để có sự quản lý cũng như khai thác tốt hơn những lợi ích mà mô hình này đem lại.Đầu tháng 6 vừa qua, Thượng viện nước này đã thông qua việc hợp pháp hóa dịch vụ chia sẻ phòng/nhà trống tại “xứ sở hoa anh đào”. Theo đó, chủ hộ được phép cho thuê nhà nhiều nhất là 180 ngày/năm và họ sẽ phải đăng ký với chính quyền địa phương.
Giới chức địa phương cũng được quyền ban hành các quy định hạn chế theo từng khu vực. Quy định của Nhật Bản cũng có phần nới lỏng hơn so với các thị trường khác, như San Francisco và London chỉ cho phép giới hạn thời gian cho thuê nhà hàng năm là 90 ngày.Người dân Nhật Bản bày tỏ quan điểm trái chiều về mô hình “ở ké” này. Trước đó, phòng trọ chỉ được cho thuê trong ngắn hạn nếu chủ sở hữu có giấy phép cung cấp dịch vụ lưu trú.
Để được phép kinh doanh, căn hộ phải nằm ở khu trung tâm thương mại, luôn có người giám sát và được sự đồng ý của các hộ gia đình khác nếu nằm trong một khu chung cư. Các chủ nhà trọ thường xuyên nhận được khiếu nại từ hàng xóm hay quản lý khu dân cư liên quan đến vấn đề an ninh, tiếng ồn và việc phân loại rác theo quy định. Nhật Bản là một trong 10 thị trường hàng đầu trên thế giới của Airbnb, mà theo tuyên bố của công ty, cộng đồng sử dụng dịch vụ của Airbnb tại nước này "đóng góp 8,3 tỷ USD cho nền kinh tế" trong năm 2016.
Con số trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do Nhật Bản chuẩn bị đón lượng du khách khổng lồ khi tổ chức Giải bóng bầu dục quốc tế năm 2019 và đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2020.Với luật mới, sẽ có hiệu lực vào năm 2018, thị trường “chia sẻ nhà ở” của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 2,4 lần và đạt 20 tỷ yen (1,8 tỷ USD) vào năm 2020, theo dự báo của công ty nghiên cứu Metaps.
Trang tin Nikkei cho biết có khoảng 53.000 chỗ ở đăng ký cho thuê trên Airbnb tại “đất nước Mặt Trời mọc” và khoảng 5 triệu người sử dụng dịch vụ mỗi năm. Airbnb hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch trong nước bằng cách đẩy mạnh quảng cáo qua video và hình thức quảng bá khác.
Mai Ly
Theo BNEWS/TTXVN