Sự kiện hot
8 năm trước

Tiền nóng đua 'bắt dao rơi' cổ phiếu khoáng sản

Sau chuỗi ngày “đua trần” liên tiếp, nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản (KHB, LCM, KSH…) đã bất ngờ lao dốc khi liên tục “đo sàn”. Nhiều người ví von, ở giai đoạn hiện tại, đầu tư vào nhóm khoáng sản như “bắt dao rơi”, khả năng “đứt tay” là không nhỏ.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản đồng loạt lao dốc từ phiên ngày 9/6 và tiếp tục bám sàn trong phiên ngày 12/6. Nhóm cổ phiếu này đang có chuỗi ngày giao dịch khá “ly kỳ”.

Đơn cử, cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và khoáng sản AMD Group, sau gần 10 phiên tăng trần, đạt mức giá gần 24.000 đồng/CP (phiên ngày 8/6), nhưng chỉ với 2 phiên giảm sàn, giá cổ phiếu này đã về mức 18.950 đồng/CP và đà giảm có thể chưa kết thúc.

Phiên giao dịch ngày 12/6 cho thấy, nhiều cổ phiếu khoáng sản đã giảm sàn ngay khi mở cửa. Đã có những nỗ lực đỡ giá, nhưng với áp lực bán lớn, các cổ phiếu TNT, KSA, KSH, LCM… vẫn yên vị với màu xanh mắt mèo.

Nhìn vào giá trị giao dịch cho thấy, KSA là mã có thanh khoản tốt nhất với 4,73 triệu đơn vị được khớp trong phiên ngày 12/6, tiếp đến là AMD với 4,15 triệu đơn vị, chưa kể AMD còn dư bán sàn 1,62 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu khoáng sản bắt đầu “nổi sóng” từ đầu tháng 6, đặc biệt sau thông tin Chính phủ đặt quyết tâm tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực khai khoáng…

Theo Bộ Công thương, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp cả năm 2017 dự kiến ở mức 8%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 là 7,4%. Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (trong đó đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn).

Ở giai đoạn hiện tại, cổ phiếu ngành khai khoáng không thực sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trung và dài hạn

Có thể thấy, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu khoáng sản chủ yếu đến từ hiệu ứng thị trường, hay nói cách khác là dòng tiền đầu cơ. Tuy nhiên, chính việc tăng quá nhanh và nóng của cổ phiếu ngành khoáng sản đã dẫn tới áp lực chốt lời gần đây.

Đây cũng là mô-tuýp chung khi đầu tư chạy theo sóng ngành. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới CTCK Agriseco, khi áp lực chốt lời ngắn hạn đi qua, quá trình sàng lọc sẽ diễn ra, những cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành thực sự được cải thiện kết quả kinh doanh sẽ dần đi lên và ngược lại.

Do vậy, khi đầu tư theo “hiện tượng thị trường”, bản thân các nhà đầu tư phải tỉnh táo để cảm nhận độ “nóng” của từng cổ phiếu, phân tích sự ảnh hưởng của tin tức, cũng như chính sách tới cổ phiếu để xác định điểm mua phù hợp.

Trong quá khứ, nhiều thời điểm nhóm cổ phiếu ngành khoáng sản đã đạt trạng thái “thăng hoa”. Chẳng hạn, cổ phiếu KSH của CTCP Đầu tư và phát triển KSH từng đạt mức giá hơn 80.000 đồng/CP, KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình đạt gần 40.000 đồng/CP, hay cổ phiếu KSA của CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận từng đạt tới ngưỡng trên 41.000 đồng/CP… Đó là quá khứ, còn hiện tại, 3 cổ phiếu này đều đang giao dịch ở mức dưới 3.000 đồng/CP.

Trong khi nhìn vào “thực lực” của các doanh nghiệp trong ngành, chưa có yếu tố nào đột biến, thậm chí có dấu hiệu thụt lùi. Đơn cử, KSA chỉ lãi vỏn vẹn 376 triệu đồng trong quý I/2017, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng, KHB hay KSH cũng trong tình trạng kinh doanh bết bát.

Sự tăng nóng và sau đó nhanh chóng hạ nhiệt của nhóm cổ phiếu khoáng sản trong thời gian gần đây cho thấy, nếu nhà đầu tư chọn doanh nghiệp thiếu nền tảng cơ bản để đầu tư thì rất khó để duy trì lợi nhuận cao, đó là chưa kể, nếu chậm chân sẽ dễ bị thiệt hại nặng khi vào lỡ nhịp sóng.

Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến nhóm cổ phiếu ngành cao su hồi phục và tăng mạnh nhờ giá cao su tăng, nhưng đà tăng cũng không thể kéo dài mãi, hay nhóm ngành dược liên tục tăng giá nhờ vào sự tăng trưởng ổn định…

Trở lại với nhóm ngành khoáng sản, khi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã tạo đáy một thời gian dài, cơ hội kiếm lời không phải là không có, nhưng chỉ dành cho những nhà đầu tư liều “bắt dao rơi”.

Hoàng Minh
Theo Tin nhanh Chứng khoán

Từ khóa: