Sự kiện hot
13 năm trước

Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế

Trong hai ngày 1-2/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 nhằm thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011.

Trong hai ngày 1-2/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 nhằm thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011.

Một trong những nội dung của phiên họp được các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận đó là việc triển khai cắt giảm đầu tư công và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
 


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

 
Những kết quả khả quan

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ đánh giá, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết 02/NQ-CP và 11/NQ-CP của Chính phủ, đạt được những kết quả bước đầu trong việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng, quản lý thị trường ngoại tệ và vàng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; bảo đảm an sinh xã hội, các cân đối vĩ mô, tốc độ tăng giá đang có xu hướng giảm; sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai trong những tháng đầu năm nhưng vẫn đạt khá.

Đời sống người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, qua các báo cáo, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm vốn đầu tư trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

Chỉ sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch năm 2011 của 2.048 dự án với tổng số vốn 5.556,4 tỷ đồng và 126 dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ với tổng số vốn cắt giảm là 2.777,6 tỷ đồng.

Riêng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã tiến hành rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án với tổng số vốn là 39.212,2 tỷ đồng, bằng 10,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm… Thị trường ngoại hối chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, các ngân hàng đã mua được một khối lượng khá lớn ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp, tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ đang giảm dần.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so cùng kỳ năm trước, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,21% so tháng trước. So tháng 12/2010, CPI tháng 5/2011 tăng 12,07%, bình quân, CPI 5 tháng đầu năm tăng 15,09% so cùng kỳ năm trước.

Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận những vấn đề nổi lên, đang là thách thức to lớn trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới như chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao, nhập siêu còn lớn, đảm bảo đời sống người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông và các khu vực khó khăn. Để thực hiện mục tiêu này cần tiếp tục thực hiện đồng bộ Nghị quyết 11 là vừa phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư, bình ổn thị trường, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định các cán cân vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, với sự nỗ lực chung, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đất nước đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc ổn định tỷ giá và kiểm soát thị trường vàng, dự trữ ngoại tệ tăng, xuất khẩu tăng, tiết kiệm chi gần 3.900 tỷ lo an sinh xã hội và giảm đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Nhấn mạnh những khó khăn không được xem thường, chủ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm lạm phát, trong đó kiên quyết giảm nhập siêu dưới 16% trong năm nay và đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, phấn đấu kiểm soát lạm phát 15%, tăng trưởng 6%, giảm bộ chi ngân sách dưới 5%.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%, đồng thời tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát nợ sấu và thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, đặc biệt là tín dụng của các ngân hàng cho vay đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đề xuất phương án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả và lành mạnh. Tiếp tục kiểm soát giá cả, không để tình trạng đầu cơ tăng giá gắn với đó là đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Riêng giá xăng dầu, điện, than thực hiện điều chỉnh theo cơ chế thị trường nhưng thời điểm tăng giá phải gắn với kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi và cắt giảm đầu tư công, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho những công trình cấp bách thiết yếu về an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng, đảm bảo vốn cho sản xuất nông nghiệp và các công trình điện. Các Bộ Tài chính, Lao động-Thương binh và xã hội sớm đề xuất trình Chính phủ xem xét giảm, chậm nộp thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức lương tối thiểu của doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các địa phương giúp đỡ nông dân nghèo và lao động trong khu công nghiệp.

Thủ tướng lưu ý các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời để nhân dân hiểu, đồng thuận. Các bộ, cơ quan, ban ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch cho báo chí, nhất là những vấn đề mà dư luận quan tâm.

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020./.
Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)
Từ khóa: