Một động thái của các tập đoàn đang gây nhiều lao xao trong dư luận khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa đồng loạt cắt giảm lương của người lao động từ 5% - 30%. Đây được xem là một cách giảm chi phí, tiết kiệm của các tập đoàn trong thời buổi khó khăn.
Một động thái của các tập đoàn đang gây nhiều lao xao trong dư luận khi nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa đồng loạt cắt giảm lương của người lao động từ 5% - 30%. Đây được xem là một cách giảm chi phí, tiết kiệm của các tập đoàn trong thời buổi khó khăn.
Ví như một số đơn vị thuộc EVN, mức cắt giảm lương phổ biến trên 10%; Tại Tập đoàn PVN, nơi có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với các ngành khác, việc cắt giảm lương của người lao động đã thực hiện từ vài tháng qua. Tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện cắt giảm quỹ lương nhân viên chung của tất cả các đơn vị trong tập đoàn từ 5%- 10%.
Xôn xao và bàn luận nhiều cũng đúng thôi, cũng như bất cứ ngành nghề nào trong xã hội động thái cắt giảm này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng vạn người lao động và cả gia đình của họ và khiến người lao động càng thêm khó khăn trong thời buổi này.
Tuy nhiên, cái sự xôn xao cắt lương ở các tập đoàn, nhất là khối công ty mẹ, văn phòng tập đoàn nợ lại gây dự luận còn bởi vì nhiều đơn vị quốc doanh từ lâu vẫn mang tiếng là có đồng lương ổn định, chỉ có tăng chứ mấy khi giảm đâu. Và việc một chuyên viên bình thường ở các tập đoàn, tổng công ty có mức lương vài chục triệu rồi nhiều khoản bồi dưỡng, phụ cấp khác nữa thì giảm 5 – 10% lương thì thu nhập chung có ảnh hưởng là bao.
Đầu tư sai lầm, kinh doanh thua lỗ mà lương vẫn cao.
Giảm thế được tiếng chứ so với mặt bằng thu nhập chung thì vẫn còn cao và tiêu dùng còn sang lắm. Bộ phận bị ảnh hưởng lớn nhất vẫn là các lao động trực tiếp trong các nhà máy, công trường còn khối công ty mẹ, văn phòng các DN ở thành phố thì đáng gì.
Vì thế, có ý kiến đây là hành động “quét cầu thang ngược” của các nhà lãnh đạo các tập, các tổng: tiết kiệm chi phí cho đơn vị chẳng bao lăm mà còn gây những tác động xấu đến hiệu quả sản xuất, đời sống, tâm lý người lao động; khiến cho cái giá trị mất đi còn lớn hơn nhiều cái khoản tiền bạc thu lại được trong nhất thời
Chưa bàn tới vấn đề, việc các tập đoàn, tổng công ty dùng chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lương người lao động là đúng hay sai, có “phạm” vào “điều” này, “khoản” kia như cách nói của luật hay không nhưng nhìn rộng ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, chuyện cắt giảm lương tại các đơn vị kinh doanh lớn này xem ra còn chậm hơn rất nhiều nếu so với các đơn vị kinh doanh khác trong nền kinh tế.
Bởi trên thực tế, do những khó khăn khách quan, chủ quan các đối tượng khác trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các đơn vị tư nhân, ngoài quốc doanh… người ta đã “cắt” hàng năm nay rồi. Mà không chỉ lương, các khoản phụ cấp khác cũng bị xén cùng, thậm chí có nhiều đơn vị còn phải nợ lương người lao động nhiều tháng, có đơn vị phải trả lương bằng các sản phẩm…
Không so bì làm gì, nhưng có một thực tế không thể không lưu ý: tiếng là bị “cắt” nhưng ở nhiều đơn vị thuộc các tổng, tập như dầu khí, điện lực…sau khi bị trừ đi một khoản như cam kết lương và các khoản phụ cấp của họ cũng còn cao hơn đa số thu nhập của người lao động tại các đơn vị ngoài quốc doanh khi chưa bị “cắt” khá nhiều!.
Nhưng ngẫm cho kỹ thấy lại càng tội nghiệp cho người lao động bên ngoài! Có khi bị cắt rồi mà không biết bị cắt. Nên người ta nói làm việc ở những tổng, những tập nhà nước nó “sướng” là vậy, cái gì cũng rành mạch, rõ ràng…Đó là còn chưa tính tới một thực tế, là ở những đơn vị “quốc doanh này” người ta cũng cắt tùy lúc, tùy nơi, tùy đối tượng.
Câu chuyện cắt giảm lương tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước vì thế cũng là chuyện đi sau và cũng là bình thường thôi nhưng vì sao nó cứ hay ồn ào và được chú ý đến vậy?.
Nói có xa xôi gì đâu, hồi đầu năm nay thôi khi “hưởng ứng” lời kêu gọi của lãnh đạo các bộ ngành, khi thực hiện động thái đăng ký tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh của các “tập”, các “tổng” cũng biết tạo tiếng vang lớn bằng những lễ lạt hoành tráng, khách sạn 5 sao, tiền hô hậu ủng, hoa đèn lỗng lẫy. Rồi mới có chuyện, bị Chính phủ nhắc nhở, các tập đoàn lại tìm đủ lý do thanh minh. Điều này, khác xa với những đơn vị ngoài quốc doanh, dẫu không “công bố” thì cũng phải làm, bởi điều đó liên quan đến sinh mệnh của chính họ, không “tiết”, không “cắt” thì chỉ có chết.
Tuy nhiên, nói cho sòng phẳng, người làm ở DN lớn, hiệu quả tốt hưởng đồng lương cao thì có gì mà phải ngại và khi khó khăn mà làm ăn tốt thì càng phải thưởng cho nỗ lực vượt khó cũng đáng.
Tuy nhiên, nhìn lại các tập đoàn và toorngg công ty nhà nước, đa số làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều… đầu tư tràn lan và lãng phí kém hiệu quả thì giảm lương hay thậm chí cắt giảm bớt nhân sự cũng đáng. Tuy nhiên, điều đó có nhằm nhò gì so với việc thua lỗ, lãng phí và kém hiệu quả của các tập đoàn. Cắt giảm lương cao chưa hợp lý là cần thiết nhưng có lẽ điều cần hơn là phải chấn chỉnh việc làm ăn kém hiệu quả, lãng phí và thua lỗ của các tập đoàn là điều bức thiết hơn
Trong một trao đổi gần đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng, nếu ở khu vực ngoài nhà nước, khi DN sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư thì DN sẽ bị sức ép của lãi suất đầu tư. Nhưng các DN nhà nước được cấp vốn ngân sách hàng trăm ngàn tỷ nhưng toàn bộ lợi nhuận từ vốn nhà nước đều để lại cho DN tái đầu tư và thụ hưởng. Có những năm, lợi tức Nhà nước để lại gần 100.000 tỷ đồng nhưng vẫn tiếp tục cấp thêm.
Hơn nữa, về thu nhập của người lao động, nếu ở DN nói chung khác sẽ bao gồm lương, thưởng, phúc lợi thì đối với DNNN thì tiền thưởng phúc lợi lại được tính sau thuế. Điều đó có nghĩa, khi tính sau thuế thì khoản tiền này sẽ thuộc về chủ sở hữu. Như vậy chủ sở hữu là nhà nước lại không yêu cầu DNNN phải hạch toán đầy đủ mà lại trừ vào phần đáng phải nộp ngân sách nhà nước. Tính ra khoản này cũng một vài chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Tâm Thời
Theo Vietnamnet