Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, tiểu thương tại Chợ Mơ đang dần thích nghi với cơ sở hạ tầng mới bằng việc nâng cao uy tín, chất lượng hàng hóa, năng lực phục vụ và sử dụng nhiều phương thức bán hàng.
Điều chỉnh phương thức kinh doanh để thích nghi
Hình ảnh Chợ Mơ truyền thống hoạt động trở lại với cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ đang là niềm tự hào của tiểu thương tại chợ cũng như bộ mặt đô thị Hà Nội. Không những vậy, Chợ Mơ ngày nay còn góp phần thay đổi “tư duy” trong kinh doanh của tiểu thương với môi trường và nếp sống hiện đại.
Bà chủ gian hàng Minh Thư tại Quầy 752 chuyên doanh về thịt bò khô, bánh kẹo, chè Thái Nguyên, ô mai… cho biết, việc bán hàng qua điện thoại thuận lợi hơn vì khách hàng đã quen với thương hiệu của bà, khách hàng chỉ việc gọi hàng qua điện thoại là bà cho người mang hàng đến tận nơi.
Bà cũng cho biết, từ khi kinh doanh tại Chợ Mơ mới, việc bày bán hàng hóa của bà cũng gọn gàng hơn, bày hàng để giới thiệu sản phẩm là chính, với những khách mua số lượng lớn bà báo qua đại lý hoặc qua trực tiếp doanh nghiệp sản xuất.
Tại quầy hàng 715 chuyên doanh các loại hàng khô như măng, miến, nấm hương, mộc mĩ, tôm, mực… bà chủ Kim Oanh cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh phương thức kinh doanh để thích nghi với điều kiện hạ tầng mới.
Còn ông Lê Đôn chuyên doanh cà phê Buôn Ma Thuột, có hệ thống rang xay tại chỗ nói, tính ra với diện tích ki ốt hiện nay thì cũng không chật. Tôi chỉ mong gian hàng có thể cao thêm ít nữa thì tốt.
Ông Đôn cũng cho biết, Ban Quản lý chợ có thể thu thêm phí của tiểu thương để khuếch trương, quảng cáo thêm cho người dân biết về sự hoạt động trở lại của Chợ Mơ truyền thống để người dân vào chợ mua hàng và để người dân phân biệt sự tồn tại của Trung tâm thương mại Chợ Mơ và Chợ Mơ truyền thống. Bên cạnh đó, việc dẹp bỏ dứt điểm chợ tạm ngày trước cũng rất cần thiết để người dân vào Chợ Mơ mới mua hàng.
“Hiện, tôi đang bán hàng với mọi hình thức, bán qua mạng, bán qua điện thoại… Bởi, vấn đề nếu bán lẻ sẽ không ăn thua vì những mặt hàng như của tôi là hàng người dân không dùng thường xuyên như thịt, cá, rau... Tôi có kho để trữ hàng” - ông Đôn nói.
Có được sự đầu tư tốt hơn
Đối với những cán bộ làm việc trong ban quản lý Chợ Mơ mấy chục năm nay, việc Chợ Mơ có diện mạo mới là điều tất yếu mang tính quy luật xã hội để tiểu thương cũng như người dân thay đổi tư duy kinh doanh tại chợ truyền thống.
Ông Phùng Mạnh Tuấn - Phó Ban Quản lý Chợ Mơ nói, sự ra đời của Chợ Mơ mới cũng là theo xu thế xã hội. Tất cả người dân đều phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả đất đai, công thổ quốc gia. Điều này không những mang tính kinh tế cao hơn cho mỗi người dân mà nhờ đó Chợ Mơ có được sự đầu tư tốt hơn, hạ tầng tốt hơn và những người làm công tác như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn.
“Việc quản lý hạ tầng chợ tốt hơn vì ngày trước chúng tôi không sử dụng chiều cao được, không tận dụng được địa tô của đất, việc đầu tư sửa chữa đường đi lối lại, quầy quán phải chờ sự phân bổ ngân sách của Quận Hai Bà Trưng, có tiền mới làm được, không có tiền thì chịu, luôn rơi vào thế bị động và không thể được đầu tư một cách đồng bộ, hỏng đâu mới sửa ở đó. Còn hiện nay, hệ thống quầy, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy tại chợ đều được đầu tư đồng bộ và đảm bảo chất lượng hạ tầng” - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Thành Nhơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại Vinaconex (VCTD) cho biết, chúng tôi không thực hiện dự án với mục đích kinh doanh mà thực hiện theo yêu cầu dân sinh và yêu cầu tái bố trí của UBND Quận Hai Bà Trưng và TP Hà Nội, khi chuyển đi là 1.129 hộ thì khi chuyển về là 1.129 ki ốt không thừa, không thiếu. Mỗi ki ốt hiện nay có diện tích tối thiểu là 3m2, trong khi đó tại Chợ Mơ cũ ngày trước, có những tiểu thương chỉ có diện tích 2m2 hoặc 1,5m2.
“Chúng tôi đã thống nhất với tiểu thương coi Chợ Mơ mới như đầu mối để kinh doanh, một địa điểm đặt văn phòng giao dịch, có nơi để giao thương, chứ không nhất thiết phải đặt và bày bán tất cả các mặt hàng ở tại chỗ. Do đó, nhiều tiểu thương hiện nay lưu trữ hàng hóa ở trong kho hoặc chợ và vận chuyển xuống chợ khi cần. Vấn đề này là nguyện vọng của tiểu thương chứ không phải của riêng chủ đầu tư” - ông Nhơn nói.
Hiện, để thu hút khách vào Chợ Mơ đồng thời tạo điều kiện cho tiểu thương trong thời gian đầu, VCTD không thu tiền gửi xe của người mua hàng trong 2 giờ, thời gian này đủ cho bà con mua hàng trong chợ. Đối với các loại phí khác, VCTD cũng chưa thu và đã có văn bản xin Quận Hai Bà Trưng cho thu điện một giá, miễn thuế toàn bộ các mặt hàng trong năm 2014.
Cao Thanh Nga
theo Xây dựng