Sự kiện hot
10 năm trước

Tìm sức bật cho kinh tế cảng biển

Tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp (DN) cảng biển, vận tải biển năm 2014 diễn ra sáng 5/8, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện 2 dự án trọng điểm là: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu.


Chọn triển khai các dự án trọng điểm sẽ là động lực phát triển kinh tế cho lĩnh vực cảng biển. Ảnh: T.A

DN Việt Nam "lọt thỏm" trong chuỗi giá trị dịch vụ hàng tỉ USD

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 44 cảng biển, 219 bến cảng và hình thành cụm cảng nước sâu tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Đội tàu Quốc tịch Việt Nam có khoảng 1.700 chiếc với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển nửa đầu năm 2014 đạt 49,05 triệu tấn.

Đi kèm với đó, khoảng 800 DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa), mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỉ đô la Mỹ này.

Theo lãnh đạo Cục HHVN, hàng loạt điểm yếu từ cơ sở hạ tầng vận tải, phần lớn chỉ được thiết kế bốc dỡ cho hàng rời, không có trang thiết bị xếp dỡ container chuyên dụng. Các cảng không có dịch vụ hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam với các cảng biển tại châu Âu hay Mỹ... nhiều kho bãi không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Chi phí logistics cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển làm giảm hiệu quả những cố gắng của Việt Nam trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu. Chưa kể những điểm yếu về hạ tầng thông tin, tính liên kết và nguồn nhân lực logistics...

Hơn nữa, phần lớn DN Việt Nam vẫn chưa ý thức được việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng, hầu hết không có phòng quản lý logistics hoặc chuỗi cung ứng mà phòng này thường được hiểu là phòng kinh doanh xuất nhập khẩu. Điều này tạo ra nhiều rào cản đối với các DN logistics Việt Nam trong việc chào các dịch vụ logistics giá trị gia tăng.


Quang cảnh Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển năm 2014. Ảnh: T.A

Doanh nghiệp hàng hải cần những hỗ trợ thiết thực

Thực tế, không ít hoạt động hỗ trợ DN hàng hải được Cục HHVN tham mưu, đề xuất với Bộ GTVT và Chính phủ như hàng loạt chương trình, đề án về nâng cao hiệu quả khai thác, dự báo thị trường, tăng thị phần vận tải nội địa. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, diễn biến thực tế ở cơ sở còn không ít khó khăn cần khẩn trương tháo gỡ. Đơn cử lực lượng bốc xếp dỡ hàng hóa tại các cảng đa số làm thủ công, giải phóng hàng chậm. Với lượng hàng hóa khoảng 2.000 - 3.000 tấn lẽ ra chỉ mất 3 - 4 ngày bốc, dỡ thì nay phải mất hơn 10 ngày.

"Một số tàu bị lực lượng chức năng kiểm tra với những lỗi nhỏ, lẽ ra chỉ nhắc nhở như đặt vị trí phương tiện chữa cháy không đúng vị trí thì cũng bị phạt tới 3 triệu đồng. Đặc biệt, một số cảng thủy nội địa như: Nghi Sơn, Quảng Ninh... tình trạng tiêu cực vẫn diễn ra khi hàng hóa DN đã làm hết các thủ tục nhưng vẫn phải chờ "làm luật" mới được xuất bến... Đây là những khó khăn, vướng mắc cần được Nhà nước tháo gỡ và hỗ trợ thiết thực", ông Cuông Sĩ Dũng, Giám đốc Công ty Vận tải biển Bình Dương (Thái Bình) chia sẻ. 

Một số ý kiến của các hiệp hội vận tải biển cũng đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ tích cực trong việc đóng mới và hiện đại hóa các đội tàu biển, nếu không chỉ dựa vào mình nguồn lực của DN thì khó có thể làm nổi...

Cục HHVN đề xuất Bộ GTVT cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, trong đó tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc giải phóng hàng hóa ùn tắc tại cảng biển. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Đăng Kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam triển khai trên tuyến vận tải ven biển từ Quảng Bình đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm tải cho đường bộ...

Theo lãnh đạo Cục HHVN, Bộ GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Cục trong việc triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là thực hiện 2 dự án trọng điểm: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu. 

Thanh tra Bộ GTVT sớm thực hiện thanh tra, kiểm tra việc triển khai 2 Dự án ngay từ bước đầu để việc triển khai đạt hiệu quả. Nhiều ý kiến đánh giá, nếu hoàn thành, cùng với các giải pháp đồng bộ khác thì đây sẽ là sức bật mới thúc đẩy kinh tế cảng biển và dịch vụ vận tải biển phát triển.

Tràng An
theo Thanh tra

Từ khóa: