Sự kiện hot
12 năm trước

Tín dụng ngân hàng góp phần “ách” đà phục hồi kinh tế

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế cộng với những khó khăn chung khiến cho nguồn lực doanh nghiệp dần cạn kiệt. Sự suy yếu này có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế cộng với những khó khăn chung khiến cho nguồn lực doanh nghiệp dần cạn kiệt. Sự suy yếu này có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Những ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế

Theo báo cáo tháng 4/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều vướng mắc do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thu chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Tình hình sản xuất tăng trưởng chậm được phản ánh rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm tăng thấp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số IIP 4 tháng/2013 tăng 5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,9% của năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế, kết hợp với những khó khăn nêu trên trong kinh doanh sản xuất đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vì vậy vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Qua 4 tháng đầu năm 2013, đã có 16,6 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so với cùng kỳ.

“Có thể nói, sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu ngân sách nhà nước năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế năm sau”, báo cáo của UBGSTCQG nêu.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kỹ thuật do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu giảm (7,6% so với tháng 3). Vấn đề cần lưu ý đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.

Xét tới những thành phần khác của tổng cầu: Doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng và khối lượng hàng hóa vận chuyển trong tháng 4 có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tháng 4 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 4,6%, so với mức 5,9% của quý I/2012).

Theo UBGSTCQG, trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, cầu đầu tư cũng chỉ đạt mức thấp, kéo theo sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm. Vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2013 mới đạt xấp xỉ 20% kế hoạch năm (202,6 nghìn tỷ đồng) và tương đương 29.6% GDP của quý I/2013, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012 (đạt mức 36,2% GDP).

Xét về cơ cấu vốn đầu tư, chỉ vốn đầu tư của khu vực FDI đạt kế hoạch quý I/2013, với mức 2,7 tỷ USD, tương đương hơn 25% kế hoạch năm, vốn đầu tư khu vực Nhà nước và vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đều không đạt kế hoạch đề ra trong quý I/2013. Cụ thể, vốn đầu tư khu vực Nhà nước (bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước) đạt 74,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 19% kế hoạch năm; Vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đạt 71,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 13,1% GDP của quý I/2012.


Tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế cộng với những khó khăn chung khiến cho nguồn lực doanh nghiệp dần cạn kiệt.

Theo UBGSTCQG, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch đề ra: Thứ nhất, do tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) chậm. Vốn đầu tư từ NSNN tính đến hết quý I/2013 chỉ đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, tương đương với 18% kế hoạch năm, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2012 vốn đã là năm có tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN rất chậm. Tính đến 15/4, vốn đầu tư phát triển từ NSNN cũng mới chỉ đạt 27,2% kế hoạch năm. Thứ hai, do tín dụng tăng thấp. Nếu so với những tháng đầu năm 2012 thì tình hình tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2013 khả quan hơn, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Theo tính toán của UBGSTCQG, chỉ tính riêng quí 1/2013, để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra, tăng trưởng tín dụng trong quí 1/2013 cần phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 (tương đương mức tăng thêm khoảng 50 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt khoảng 1,44% so với đầu năm. 

Theo UBGSTCQG, có một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp như: Lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá. Hiện tượng này được hình thành bởi 2 nguyên nhân chủ yếu: do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn; và do khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất trái phiếu Chính phủ có những thời điểm đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua (Ngày 28/3, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 3 năm lần đầu tiên xuống dưới 8% kể từ 4 năm qua (7,84% năm).

Như vậy có thể nói, trong trường hợp này thì tỷ lệ nợ xấu tăng cao gây tắc nghẽn nguồn vốn tín dụng ngân hàng cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chậm đang tạo nên tác động kép gây ra hiệu ứng loại trừ đầu tư khu vực tư nhân ngoài mong muốn do nguồn vốn chủ yếu đi vào khu vực Nhà nước cho dù Chính phủ không chủ động mở rộng chính sách tài khóa.

Dựa vào những phân tích trên, UBGSTCQG cho rằng tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. Nói cách khác, tổng cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ được khôi phục nhanh và mạnh mẽ hơn khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN được đẩy nhanh hơn trên thực tế.

Sức ép về thu chi ngân sách nhà nước

Về cân đối thu chi NSNN, UBGSTCQG nhận định, khả năng cân đối NSNN năm nay sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn năm trước vì thu NSNN có xu hướng giảm trong khi nhu cầu chi vẫn tăng cao.

Tổng chi NSNN lũy kế đến ngày 15/04 ước đạt 257,98 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% dự toán năm; Thu NSNN mới chỉ đạt 26,4% dự toán năm, trong khi yêu cầu phải đạt trên 29%.

Trong năm 2013, trong khi thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, yếu tố tăng thu đột biến từ dầu thô là gần như không còn do giá xây dựng dự toán thu từ dầu thô đã tăng gần sát giá hiện hành (tăng trên 10% so với giá dự toán 2012) trong khi giá dầu thế giới đang có chiều hướng giảm (xuống dưới 100USD/thùng).

Theo UBGSTCQG, nếu như mục tiêu lạm phát 6-6,5% của năm 2013 nhiều khả năng đạt được thì sẽ cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBGSTCQG cũng kiến nghị cần hỗ trợ tổng cầu bằng cách đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đinh Bách
theo VnMedia

Từ khóa: