Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm, nhưng khó giảm sâu, do còn rất nhiều rào cản.
Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm, nhưng khó giảm sâu, do còn rất nhiều rào cản.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2013 vừa được Chính phủ ban hành ngày 7.3 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm 2013, bảo đảm vừa hỗ trợ sản xuất, vừa kiểm soát lạm phát; theo dõi và điều hành tỷ giá hợp lý; tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; cơ cấu nợ và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Vụ Dự báo thống kê tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cách đây 2 ngày cho biết, có tới 90% số tổ chức tín dụng tin tưởng vào việc kiềm chế lạm phát ở dưới một con số và tin tưởng điều đó tạo động lực cho việc giảm mặt bằng lãi suất của cả huy động vốn và cho vay đối với tiền đồng VN.
Theo đó, hầu hết tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất huy động vốn và cho vay giảm, trong đó mức giảm được kỳ vọng nhiều nhất là 2%. Mặc dù mong muốn của Chính phủ và ngay cả các tổ chức tín dụng vào xu hướng hạ lãi suất là rất lớn, tuy nhiên thời điểm này, đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ giảm, nhưng khó giảm sâu, do còn rất nhiều rào cản.
Nhiều chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ giảm, nhưng khó giảm sâu, do còn rất nhiều rào cản.
TS Trần Du Lịch phân tích: Cái khó nhất hiện nay chính là vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa phải từng bước kéo giảm lãi suất. Chính phủ đang nỗ lực kéo giảm lãi suất, nhưng dư địa giảm chỉ còn khoảng 1%/năm đối với trần lãi suất huy động và từ 1- 2%/năm đối với lãi suất cho vay. “Rào cản lớn trong việc cắt giảm lãi suất hiện nay chính là nợ xấu tăng cao khiến các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng nhiều, chi phí vốn lớn. Việc giảm lãi suất đòi hỏi phải có thời gian chứ chưa thể thực hiện ngay được” - TS Lịch đánh giá.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Năm 2013 chúng ta vừa muốn tăng trưởng tín dụng vừa muốn giảm lãi suất. Điều này dễ phát ra tín hiệu về xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Như vậy sẽ lại tạo điều kiện để lạm phát tăng.
|
|
Cùng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức kỳ vọng 7 – 8% thì lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ có thể giảm thêm 1%/năm. Với trần lãi suất huy động như vậy, TS Nghĩa cho rằng, lãi suất đối với khoản vay mua nhà kỳ hạn dài thấp nhất có thể về 8 - 10%/năm trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản, khơi thông dòng tín dụng.
Trong bối cảnh sản xuất đình trệ bởi ngoài lý do tín dụng không đến tay doanh nghiệp, việc lãi suất cho vay cao đang là một rào cản rất lớn. Tuy nhiên, những tín hiệu để giảm lãi suất cho vay thời điểm này vẫn chưa hiện hữu, trong khi lãi suất huy động vẫn đang chịu sức ép bởi bài toán nếu hạ quá sâu, VND mất sức hấp dẫn, người dân sẽ quay sang đầu tư vàng, ngoại tệ. Vị thế của VND mà Việt Nam đã tạo dựng được không khéo sẽ mất đi.
Phương Hà
theo Dân Việt