Sự kiện hot
4 năm trước

Tin vắn thế giới ngày 34: Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt con số 1 triệu

Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt con số 1 triệu, Indonesia thả 18.000 tù nhân do lo ngại virus corona lây lan, Mỹ triển khai tàu chiến chống ma túy, Chủ tịch quốc hội Iran nhiễm virus... là những tin tức thế giới nổi bật.

Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt con số 1 triệu

Theo số liệu trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 3/4, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.009.662 và số ca tử vong là 52.855 người. Riêng trong vòng 24h qua, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 5.663 người. Đây là kỷ lục về số ca tử vong tính theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019 tại Trung Quốc.

Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 bình phục trên toàn thế giới là 211.889 người. Dịch bệnh đã tấn công 204 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là Mỹ với 240.511 trường hợp. Xếp tiếp theo trong danh sách này gồm có Italy (115.242 ca), Tây Ban Nha (112.065 ca), Đức (84.788 ca), Trung Quốc (81.589 ca), Pháp (59.105 ca), Iran (50.468 ca) và Vương quốc Anh (33.718)...

Tin vắn thế giới ngày 3/4: Số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt con số 1 triệu

Số người nhiễm virus corona chủng mới trên toàn thế giới đã vượt mốc 1 triệu.

Mỹ đề nghị 10.000 cựu binh quân y tham gia chống dịch Covid-19

Đại diện quân đội Mỹ, Trung tá Emanuel Ortiz-Cruz đã xác nhận rằng, yêu cầu này đã được đưa ra vào ngày 29/3 và áp dụng cho các các binh lính từng làm trong các đơn vị cấp cứu, chăm sóc y tế. Đã có hàng nghìn cựu lính quân y đã phản hồi với lời đề nghị trên và Bộ Chỉ huy nhân sự Mỹ vẫn đang xử lý các yêu cầu.

Vào hôm 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kí sắc lệnh gọi tối đa 1 triệu binh lính dự bị lên lực lượng trực chiến ở khắp các quân chủng nhằm chống dịch Covid-19. Quân đội Mỹ có ý định triển khai các cựu binh và lính dự bị đến các bệnh viện dã chiến ở nhiều đô thị bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai binh sĩ đến 3 bệnh viện dã chiến lưu động đến New York, Seattle và Washington. Mỗi bệnh viện sẽ có tối đa khoảng 330 binh lính.

Indonesia thả 18.000 tù nhân do lo ngại virus corona lây lan

Cho đến ngày 2/4, khoảng 18.000 phạm nhân trên cả nước đã được trả tự do, họ được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Trước đó, Chính phủ Indonesia hôm 1/4 thông báo rằng họ sẽ trả tự do cho hơn 30.000 tù nhân, bao gồm các trường hợp phạm tội nhẹ hoặc đã thực hiện được ít nhất hai phần ba bản án của mình. "Mục tiêu của chúng tôi là thả tự do cho tổng cộng 30.000 tù nhân, nhưng con số cuối cùng có thể lớn hơn thế", bà Rika Aprianti, người phát ngôn của cơ quan chỉnh huấn Indonesia, chia sẻ. "Đây là một phần của kế hoạch nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong các nhà tù", bà Aprianti nói thêm.

Triều Tiên nới lỏng hạn chế do dịch COVID-19 đối với người nước ngoài

Theo thông điệp đăng trên tài khoản Facebook của Đại sứ quán Nga, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2/4 đã gửi thông báo tới tất cả đại sứ quán cũng như văn phòng các tổ chức quốc tế nói rằng người nước ngoài được phép đi tới mọi cửa hàng, nhà hàng và các dịch vụ khách hàng, bao gồm chợ trung tâm tại phố Tongin. Bình Nhưỡng kêu gọi tất cả người nước ngoài tiếp tục tuân thủ các quy định phòng tránh COVID-19 của từng cơ quan cũng như đeo khẩu trang cho tới khi quy chế khẩn cấp toàn quốc chống COVID-19 được dỡ bỏ.

Đại sứ quán Nga coi hành động nới lỏng hạn chế của Bình Nhưỡng là minh chứng cho các biện pháp hiệu quả của Triều Tiên nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19. Phái bộ ngoại giao của Nga cũng bày tỏ sự hài lòng khi những hạn chế được nới lỏng sau gần 2 tháng.

Chủ tịch quốc hội Iran nhiễm virus

Chủ tịch quốc hội Iran Ali Larijani đã xét nghiệm dương tính với Covid-19, đài truyền hình quốc gia đưa tin hôm 2/3. Ông Larijani đã được xét nghiệm virus corona sau khi xuất hiện một số triệu chứng và kết quả là dương tính. Ông hiện được cách ly và điều trị, theo đài truyền hình nhà nước Iran. Chính trị gia 62 tuổi này trở thành một trong những quan chức hàng đầu của Iran nhiễm bệnh.

Công bố được đưa ra giữa lúc Tổng thống Hasan Rouhani cảnh báo trong một cuộc họp nội các rằng nước này có thể phải chiến đấu với đại dịch thêm một năm nữa.

Mỹ triển khai tàu chiến chống ma túy

Mỹ cho biết đã đưa tàu chiến tới vùng biển Caribbean để ngăn chặn ma túy bất hợp pháp. “Chúng ta không được để các băng đảng ma túy lợi dụng đại dịch Covid-19 đe dọa cuộc sống của người Mỹ”, BBC dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump nói thêm rằng, Mỹ đã hợp tác với 22 quốc gia đối tác, cho phép Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ “tăng cường giám sát, phá vỡ, thu giữ các lô hàng ma túy và hỗ trợ thêm cho các nỗ lực diệt trừ ma túy đang diễn ra với tốc độ kỷ lục”.

Động thái này diễn ra một tuần sau khi Mỹ buộc tội Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro và các quan chức cấp cao khác ở nước này “khủng bố bằng ma túy”. Phía Venezuela đã bác bỏ cáo buộc này. Hai ngày trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Venezuela nếu ông Maduro và ông Guaido đồng ý thỏa thuận chia sẻ quyền lực nhưng phía Venezuela cũng bác bỏ đề xuất này.

Mỹ dùng 20 xe tải chuyển khí tài quân sự từ Iraq tới Syria

Một đoàn gồm 20 xe tải đã chở vật liệu hậu cần dùng cho việc xây dựng công sự từ Iraq tới một khu vực gần thành phố al-Hasakah của Syria. Lực lượng Mỹ trong vài tháng gần đây đã điều động hàng nghìn xe tải chở vũ khí, khí tài và quân nhu tới al-Hasakah qua các cửa khẩu bất hợp pháp.

Hãng tin SANA cho rằng động thái của Washington là nhằm củng cố sự hiện diện tại khu vực Jazira của Syria và khai thác dầu mỏ cũng như các loại tài nguyên thiên nhiên khác ở đây.

Tòa án châu Âu khẳng định 3 nước Đông Âu phạm luật khi từ chối người di cư

Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/4 ra phán quyết cho rằng, Ba Lan, Hungary và CH Séc đã vi phạm luật pháp EU khi không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ được phân bổ nhằm giảm gánh nặng cho các nước thành viên phía Nam như Hy Lạp. CJE cho biết vấn đề chia tỷ lệ tiếp nhận người di cư đã làm suy giảm tình đoàn kết nội khối nhiều năm qua. Phán quyết nêu rõ: "Khi từ chối tuân thủ cơ chế tạm thời để tái phân bổ người xin tị nạn, Ba Lan, Hungary và CH Séc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp EU". 

Trước đó, các nước thành viên EU đã chia rẽ sâu sắc kể từ khi EU thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn vào năm 2015. 

Phiến quân tàn nhẫn hành quyết cựu nghị sĩ Syria tại "chảo lửa" Idlib vì bị “chỉ điểm”

Các phiến quân thánh chiến Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS) đã sát hại một cựu nghị sĩ Quốc hội Syria tại tỉnh Idlib. Thông tin này đến từ Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) hôm 1/4. Danh tính của nghị sĩ Syria này sau đó được công bố, cùng với những thông tin liên quan đến vụ ám sát ông. Theo đó, nghị sĩ Daqah bị chúng buộc tội cung cấp cho lực lượng vũ trang Syria thông tin về vị trí của các lực lượng thánh chiến ở vùng nông thôn phía đông bắc tỉnh Latakia, đặc biệt là khu vực Kabani.

Ông Daqah sống tại thị trấn Salqin, đã bị nhóm HTS bắt giữ tại vùng nông thôn Jisr al-Shughour vào tháng 5/2019. Ông được cho là đã bị các tay súng HTS hành quyết ở Jisr al-Shughour trong tuần này.

Hàn Quốc tặng tàu tuần tra đã qua sử dụng cho đối tác

Theo thông cáo báo chí của Cảnh sát biển Hàn Quốc (KCG), hai tàu tuần tra đã ngừng hoạt động gần đây sẽ được tặng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Ecuador.

Hai tàu được trao tặng đã chính thức hoạt động lần lượt từ tháng 12 năm 1990 và tháng 12 năm 1991, chúng được "nhận sổ hưu" vào tháng 10 năm 2019 và tháng 1 năm 2020. Cả hai tàu tuần tra đã kết thúc thời hạn tại ngũ của họ với Bộ chỉ huy Jeju của KCG. Những con tàu này hiện đang được trang bị lại và sơn màu sắc của lực lượng tuần duyên Ecuador tại các nhà máy đóng tàu vừa và nhỏ không xác định, trước khi chuyển đến cảng mới dự kiến ​​vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Trâm Anh
Theo Công lý

Từ khóa: