Theo công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 đợt 2.
Từ ngày 26/4, đã có 50 con chuột được tiêm vắc xin COVID-19 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh kháng thể miễn dịch. Mẫu máu của chuột thí nghiệm đã được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) - đơn vị nghiên cứu chế tạo vắc xin ngừa COVID-19, chia sẻ trên báo Tiền Phong: "Đến nay, những đợt thử nghiệm đầu tiên đối với chuột đã cho ra những kết quả hứa hẹn. Thử nghiệm trên người sẽ cần thời gian lâu hơn, bởi tình hình cụ thể rất khác với những gì chúng ta từng thấy, hiện tại chưa thể chắc chắn quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu".
Hiện tại, đàn chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, còn mẫu máu của chuột đang trong giai đoạn chờ kết quả đánh giá. Đây là tín hiệu khả quan về việc sản xuất vắc xin phòng chống dịch COVID-19.
Cũng theo ông Đạt chia sẻ trên báo Sức khỏe đời sống, trong vài ngày nữa nhóm nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin đợt 2. Trong đợt này số lượng chuột vẫn chưa được quyết định chính xác.
Hiện có khoảng 80 nhà phát triển vắc xin khắp thế giới đang ở giai đoạn tương tự với Việt Nam là tiêm thử nghiệm trên chuột, có 8 công ty đã ở giai đoạn tiêm thử nghiệm song song trên động vật và trên nhóm nhỏ người tình nguyện.
Được biết, nghiên cứu này của VABIOTECH tiếp nhận một công nghệ hoàn toàn mới, chưa từng có ở Việt Nam. Đối với vắc xin COVID-19 cũng như các đại dịch khác, các nhà khoa học trên thế giới cũng tìm công nghệ mới chứ không phải công nghệ sẵn có.
Giám đốc VABIOTECH chia sẻ trước đó: “Trong quá trình hợp tác với Đại học Bristol, thời điểm các chuyên gia của chúng tôi sang thì dịch ở Anh chưa bùng phát, sau đó, lại bùng phát rất nhanh. Khi đó đoàn chuyên gia của chúng tôi chỉ kịp có được chủng vắc-xin rồi về ngay, không có đủ thời gian để tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu ở bên đó. Hiện nay, hai bên chủ yếu trao đổi trực tuyến với nhau nên hạn chế trong tiếp cận và đánh giá sâu hơn về vắc xin”.
Trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người, đến nay mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là COVID-19. Cả 2 đại dịch lần trước, thế giới đều chưa có vắc xin nào được thương mại hóa.
Ngọc Nga (Tổng hợp)
Theo Báo Pháp luật