An toàn vệ sinh thực phẩm có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, các cơ quan liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động về an toàn thực phẩm và đạt được những kết quả đáng kể, nhờ đó tình trạng mất an toàn thực phẩm phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên phức tạp và diễn biến khó lường hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Về xử lý vi phạm, trong số 811.15 cơ sở vi phạm, đã có 7.546 cơ sở bị xử lý, trong đó phạt tiền 12.958 cơ sở với số tiền hơn 38 tỷ đồng. Toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 1.600 người mắc, gần 1.500 người đi viện và 16 trường hợp tử vong.
Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản, nhuộm màu trong sơ chế, chế biến sau thu hoạch nông sản, việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm ngày càng phức tạp, việc xử lý dứt điểm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Việc chấp hành các quy định về quảng cáo thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực so với trước, tuy nhiên việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Youtube...) gặp khó khăn. Ngộ độc thực phẩm do rượu diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao. Ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, mặc dù đã giảm so với năm trước nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao.
Riêng tại thành phố Hà Nội Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 845 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm và bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Việc xét nghiệm nhanh tại chỗ đánh giá độ sạch, bẩn của dụng cụ chứa thực phẩm và sàng lọc ban đầu thực phẩm không bảo đảm an toàn, cho thấy trong số hơn 117 nghìn mẫu được thực hiện có hơn 106 nghìn mẫu đạt (chiếm 90,7%). Toàn thành phố cũng ghi nhận 7 vụ ngộ độc liên quan đến rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong.
Về ngộ độc rượu chứa Methanol ghi nhận 7 chùm ca bệnh với 31 trường hợp mắc, 6 trường hợp tử vong. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế, ngộ độc Methadonl là vấn đề đáng lo ngại nhất trong thời gian qua. Chưa bao giờ Hà Nội có số mắc và tử vong nhiều đến thế. Vì vậy, ông Hiền đề nghị các đơn vị phối hợp tốt hơn trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP)nói chung và quản lý rượu nói riêng; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử nghiêm các cơ sở vi phạm, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với liên ngành và giữa các tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Những cơ sở vi phạm, cần công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Vấn nạn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng. Trước tình hình này thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương từ xã đến tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP; phối hợp với Ban chỉ đạo 389 quốc gia ngăn ngừa thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng; xử lý nghiêm theo pháp luật việc đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn.
Bên cạnh việc làm nghiêm vấn nạn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến khích chế biến thực phẩm với quy mô lớn theo chuỗi, bảo đảm ATTP; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, ATTP tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP, ISO22000…; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông lâm thủy sản.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; củng cố, tăng cường năng lực cho các Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; theo dõi, xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, tránh để người dân thiếu thông tin, dẫn đến hiểu lầm, hoang mang...
Bảo Anh